Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã
Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển HTX, tập trung hỗ trợ củng cố, tổ chức lại các HTX hoạt động kém hiệu quả. Qua đó, các HTX đã có bước tiến tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Theo số liệu khảo sát của Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận, tính đến nay toàn Tỉnh có 101 HTX; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 81 HTX, số HTX còn lại thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, tín dụng. Kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã có nhiều đổi thay, từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng về hình thức hoạt động.
Nhiều HTX sau khi chuyển đổi và thành lập mới đã tham gia các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung, xã Phước Tiến (Bác Ái) thành lập vào tháng 12/2019 hoạt động tuân thủ theo Luật HTX năm 2012 về tổ chức bộ máy quản lý và phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Giám đốc HTX, cho biết: HTX được thành lập dựa trên sự hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh, tận dụng được thế mạnh của các thành viên và tạo việc làm cho các thành viên nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống. Để đứng vững trong nền kinh tế thị trường, HTX đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm dưa lưới an toàn với giá cả phù hợp.
Sự đổi mới đi lên của các HTX trong thời gian gần đây góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Hầu hết các HTX tích cực tham gia các chương trình, dự án ở địa phương, thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết tham gia mô hình cánh đồng lớn. HTX Dịch vụ tổng hợp Mỹ Sơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) trước đây hoạt động chủ yếu là cung cấp vật tư nông nghiệp, sản xuất giống và tiêu thụ nông sản, nhưng hiện nay đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình thâm canh giống bắp lai F1 với diện tích 200 ha, bắp thương phẩm 200 ha, sản xuất lúa giống 50 ha, táo VietGAP diện tích 10 ha. Qua đó, giúp nông dân áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, đảm bảo năng suất, nâng cao lợi ích cho các thành viên tham gia vào chuỗi giá trị.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận, về cơ bản các HTX đã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy vậy, vẫn còn nhiều HTX gặp vướng mắc, khó khăn trong huy động vốn sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện tín dụng nội bộ còn hạn chế. Điều này dẫn đến đa số HTX có vốn ít, không đảm bảo điều kiện vay vốn ngân hàng, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, hoạt động cầm chừng. Huyện Ninh Phước là địa phương có phong trào phát triển HTX khá mạnh, trên địa bàn có 27 HTX thuộc các ngành, lĩnh vực đăng ký kinh doanh hoạt động theo Luật HTX năm 2012; trong đó, có 22 HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Tổng số thành viên HTX là 8.193 thành viên; tổng số lao động việc làm thường xuyên cho HTX 164 người. Số lượng HTX nhiều, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh còn ở quy mô nhỏ, doanh thu thấp, nên thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX chỉ từ 2-3 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Lê Hoài Nam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận, nguyên nhân của hạn chế là do một số HTX chậm đổi mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nên chưa tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ về đất đai, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cùng với đó là nhận thức, sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương đối với HTX chưa đầy đủ.
Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đề ra giải pháp tăng cường vận động các thành viên HTX góp vốn đảm bảo hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh HTX. Tiến hành giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả, không đảm bảo tổ chức hoạt động theo quy định.
Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận vốn, nguồn lực đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao.