Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại châu Á năm 2021:

Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển nền tài chính công bền vững


Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 8-9/09/2021. Đoàn Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đặng Thị Thủy làm Trưởng đoàn cùng Lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục liên quan cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu KBNN Trung ương.

Đoàn Kho bạc Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy làm trưởng đoàn, tham dự Hội nghị tại điểm cầu KBNN Trung ương. Nguồn: KBNN.
Đoàn Kho bạc Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy làm trưởng đoàn, tham dự Hội nghị tại điểm cầu KBNN Trung ương. Nguồn: KBNN.

Với chủ đề “Chi đầu tư phát triển một cách bền vững và thích ứng nhằm hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19” được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày (8-9/09/2021). Hội nghị PEMNA năm 2021 có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên PEMNA và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế…

PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công trong khu vực. Mạng lưới được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc nhằm hỗ trợ các chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đồng thời trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Alma Kanani - Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Nam Á cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nền tài chính công của các quốc gia trên thế giới đang phải gánh chịu những áp lực nặng nề và việc phát triển các hệ thống xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là vấn đề đang được các nước đặc biệt quan tâm.

Với chủ đề “Chi đầu tư phát triển một cách bền vững và thích ứng nhằm hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19”, bà Alma Kanani mong muốn các quốc gia thành viên trong khu vực có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các giải pháp hướng tới việc phát triển nền tài chính công bền vững về mặt tài khóa, cũng như thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai.

Tại Hội nghị, ông Ji-Chul Bae - Thành viên Ban điều hành PEMNA - Vụ trưởng Vụ Quản lý hiệu quả hoạt động tài khoá (Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc) cho biết, đẩy mạnh chi tiêu công đang là một trong các chính sách tài khóa quan trọng nhằm phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

"PEMNA có sự tham gia của nhiều quốc gia với trình độ khác nhau, vì vậy, các tham luận tại Hội nghị sẽ là kinh nghiệm quý báu, quan trọng đối với các quốc gia thành viên”, ông Ji-Chul Bae nhấn mạnh.

Sau phần phát biểu khai mạc, các quốc gia thành viên PEMNA tiến hành phiên họp toàn thể, các tham luận tập trung chia sẻ về vai trò thay đổi của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo khả năng chống chịu và bền vững trong chi đầu tư như: Vai trò, kế hoạch chi tiêu trung hạn của Bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện sắp xếp ưu tiên và lập kế hoạch chi đầu tư bền vững trong bối cảnh khó khăn tài khóa thời kỳ hậu COVID-19 và kế hoạch phát triển thích ứng cấp quốc gia hoặc ngành; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khả năng đáp ứng chi đầu tư và dự án PPP: Thông lệ tốt và kinh nghiệm cho Bộ Tài chính; Vai trò của Bộ Tài chính nhằm tăng cường khả năng chống chịu và bền vững với khí hậu của chi đầu tư thông qua gắn thẻ khí hậu, đưa nội dung đánh giá và thích ứng rủi ro khí hậu vào các dự án đầu tư công lớn.

Theo chương trình tại Hội nghị, Ban Thư ký PEMNA đã báo cáo các nội dung hoạt động của PEMNA trong năm 2020; thảo luận, thống nhất cách thức làm việc vào tháng 10 và tháng 11/2021.

Sau phiên họp toàn thể còn diễn ra các phiên họp dành cho cộng đồng hành nghề gồm: Cộng đồng hành nghề ngân sách và cộng đồng hành nghề Kho bạc. Tại các phiên họp này, đại diện các nước và Việt Nam cũng đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi vai trò Kho bạc trong việc đảm bảo tính bền vững của tài chính công.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, sau 2 ngày diễn ra Hội nghị PEMNA, các tham luận và ý kiến chia sẻ, trao đổi tại Hội nghị đều có giá trị thực tiễn quan trọng, hỗ trợ cho công tác quản lý, góp phần vào phát triển bền vững nền tài chính công của các quốc gia thành viên PEMNA, trong đó có Việt Nam.

PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công trong khu vực. Được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, với mục tiêu hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thông qua việc tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.