Kinh nghiệm quản lý tài chính công của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng với các thành viên PEMNA


Chia sẻ với các phóng viên bên lề Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại Châu Á (PEMNA) năm 2019 đang diễn ra tại Quảng Ninh, bà Kyoungsun Heo, Trưởng ban thư ký PEMNA cho rằng, cách thức quản lý ngân sách và nợ công của Việt Nam ở thời điểm tăng trưởng kinh tế ấn tượng hiện nay sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia thành viên PEMNA đang mong muốn tăng trưởng cao.

Bà Kyoungsun Heo, Trưởng ban thư ký Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại Châu Á (PEMNA).
Bà Kyoungsun Heo, Trưởng ban thư ký Mạng lưới Quản lý Chi tiêu Công tại Châu Á (PEMNA).

Theo bà Kyoungsun Heo, PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp dành cho cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với mục tiêu xây dựng các hệ thống kho bạc và ngân sách ngày càng vững mạnh tại các quốc gia thành viên, PEMNA đã tạo ra nền tảng để các thành viên trao đổi cởi mở về những thách thức gặp phải trong quá trình triển khai cải cách quản lý tài chính công.

Trong 8 năm qua, PEMNA đã đóng góp tăng cường năng lực chuyên môn cho các thành viên cá nhân. Các thành viên đang tích cực tận dụng mạng lưới này và chủ động tiếp cận các đồng nghiệp trong PEMNA và tổ chức các chuyến khảo sát học hỏi để tiếp tục thảo luận sau các hội nghị PEMNA.

Bà Kyoungsun Heo chia sẻ, nền tài chính công bền vững là chủ đề then chốt của mỗi Chính phủ. Để đảm bảo nền tài chính công an toàn và bền vững, quản lý ngân sách nhà nước và nợ công có vai trò hết sức quan trọng.

Theo đó, các quốc gia thành viên PEMNA đã và đang triển khai nhiều chính sách và quy tắc tài khóa để xử lý hiện trạng tài khóa riêng của mỗi quốc gia, đồng thời hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Hội nghị Toàn thể PEMNA năm 2019 lựa chọn chủ đề “Tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nề tài chính quốc gia an toàn và bền vững” là vũ đài lớn để các quốc gia thành viên thảo luận về tiến độ và hiệu quả của những chính sách quản lý ngân sách nhà nước và nợ công qua tình huống ở mỗi quốc gia.

Trưởng ban thư ký PEMNA nhấn mạnh, Việt Nam chia sẻ cách thức quản lý ngân sách nhà nước và nợ công ở thời điểm tăng trưởng kinh tế ấn tượng hiện nay tại Hội nghị; điều này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia thành viên khác cũng đang mong muốn tăng trưởng cao.

Ngược lại, đối với Việt Nam, đây sẽ là cơ hội tốt để đánh giá lại hiện trạng chính sách so với các quốc gia PEMNA khác, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để tiếp tục cải thiện nếu cần.

Trong 3 ngày từ ngày 22-24/5/2019, các thành viên PEMNA thảo luận về chủ đề tái cơ cấu ngân sách và quản lý nợ công. Từ đó, ghi nhận những bài học thực tiễn về công tác này để áp dụng tại mỗi nước thành viên trong nỗ lực tăng cường an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia.