Chiến lược phát triển logistics hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN

ThS. Cao Ngọc Thành

(Tài chính) Trong một thế giới mà hầu hết các nước đều đã gia nhập WTO và thực hiện chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu, gia tăng giao thương quốc tế thì logistics đóng vai trò ngày càng quan trọng. Việt Nam cũng như thế, với tư cách là thành viên của WTO, nhất là thời điểm thực hiện các cam kết trong lĩnh vực logistics vào năm 2014 đang đến gần. Và đến năm 2015, là năm mà Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành và các chính sách phát triển chung sẽ được thực thi để thị trường ASEAN phát triển hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Tỉ lệ xuất khẩu ngày càng cao trong GDP đã và đang là một động lực và cơ sở quan trọng để ngành kinh tế logistics phát triển. Sự phát triển của ngành kinh tế nào cũng cần có chiến lược, có cách thức thực hiện chiến lược, và có mô hình phát triển được xây dựng một cách bài bản và khoa học. Đây là những vấn đề cơ bản mà các chuyên gia logistics của Việt Nam vẫn đang bàn luận thường xuyên. Có thể nói, đây là vấn đề lớn và cần phải nghiên cứu sâu và cụ thể.

Tình hình phát triển logistics Việt Nam

Lĩnh vực logistics Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO đã có sự phát triển đi lên. Theo đánh giá của WB khi nghiên cứu về logistics của các quốc gia thì chỉ số LPI (Logistics Performance Index) của Việt Nam có sự tăng lên từ mức 2,89 năm 2007 lên mức 2,96 năm 2010 và đạt mức 3 vào năm 2012. Đây là chỉ số đánh giá tổng quát nhiều khía cạnh của sự phát triển logistics của các quốc gia. Tuy nhiên, khi xét điểm về chất lượng và khả năng cạnh tranh về logistics thì điểm của Việt Nam có sự tăng trưởng không ổn định (bảng 1). Điều này có thể nói là xét về cơ sở hạ tầng và xét về công nghệ thì logistics Việt Nam có sự tiến bộ, nhưng điểm về khả năng cạnh tranh của logistics của Việt Nam thể hiện qua hoạt động cung cấp dịch vụ logistics của các công ty có sự suy giảm.

Bảng 1. Đánh giá về logistics của các nước ASEAN

STT

Quốc gia

2007

2010

2012

LPI

QCL

LPI

QCL

LPI

QCL

1

Campuchia

2,5

2,47

2,37

2,29

2,56

2,5

2

Indonesia

3,01

2,9

2,76

2,47

2,94

2,85

3

Lào

2,25

2,29

2,46

2,14

2,5

2,49

4

Malaysia

3,48

3,4

3,44

3,34

3,49

3,05

5

Myanmar

1,86

2,26

2,33

2,01

2,34

2,42

6

Philippines

2,69

2,94

3,14

2,95

3,02

3,14

7

Singapore

4,19

4,21

4,09

4,12

4,13

4,07

8

Thái Lan

3,31

3,31

3,29

3,16

3,18

2,98

9

Việt Nam

2,89

2,8

2,96

2,89

3

2,68

10

ASEAN

2,91

2,95

2,98

2,82

3,02

2,91

(Ghi chú: -LPI: Chỉ số năng lực về logistics

               -QCL: Điểm về Chất lượng và khả năng cạnh tranh của dịch vụ logistics)

Nguồn: Báo cáo Thứ hạng năng lực quốc gia về logistics của WB năm 2007, 2010 và 2012.

Hàng năm, theo thống kê thì có khoảng 300 công ty mới hoạt động trong lĩnh vực logistics ra đời và làm gia tăng con số 1.000 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này. Từ khi trở thành thành viên của WTO thì logistics đã chịu sức ép từ sự cạnh tranh của các công ty của nước ngoài, điều này đã làm cho các công ty logistics của Việt Nam trưởng thành hơn về khả năng cung ứng dịch vụ . Nhiều công ty đã có cố gắng vươn lên để tham gia nhiều hơn vào các khâu quan trọng và chính yếu trong chuỗi cung ứng logistics và đã tạo ra một số công ty có tên tuổi trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế, các công ty của nước ngoài vẫn chiếm ưu thế và vẫn giữ các khâu quan trọng, đòi hỏi công nghệ và kĩ thuật phức tạp, có giá trị gia tăng cao và lợi nhuận nhiều. Đó là lý do giải thích tại sao các công ty của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé (theo thống kê thì có khoảng 80% DN logistics Việt Nam có vốn pháp định từ 1,5-2 tỉ đồng) và có công nghệ còn giản đơn.   

Phát triển logistics Việt Nam, hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN

Về vấn đề xác định chiến lược phát triển

Việc đề ra chiến lược phát triển cho bất cứ ngành nào trong điều kiện mở cửa và thực hiện cơ chế kinh tế thị trường là một điều rất khó khăn. Đối với lĩnh vực logistics Việt Nam thì mục tiêu chiến lược là cần phát triển giá trị mà lĩnh vực này tạo ra trong GDP của Việt Nam một cách hiệu quả. Để làm điều này thì có hai hướng cơ bản. Một là, dựa vào sức mạnh và khả năng thúc đẩy mở rộng thị trường của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, làm cho GDP của ngành logistics lớn hơn và giữ vững tỉ trọng trong GDP. Qua đó, DN Việt Nam có thể tiếp tục tích lũy vốn và tư bản đến mức có thể cạnh tranh và tham gia vào việc cung ứng dịch vụ logistics với cấp độ dần cao hơn. Hai là, dựa vào sức phát triển của DN để thúc đẩy phát triển quy mô thị trường logistics bằng cách nhà nước hoặc các DN sẽ tự hình thành một khung cạnh tranh dành cho các DN logistics Việt Nam. Khung cạnh tranh này sẽ tạo ra một thế mới cho các DN Việt Nam và sẽ làm tăng dần sức mạnh của các công ty Việt Nam tham gia trong mối tương quan với sức mạnh của công ty nước ngoài. Một điều cần lưu ý là các DN Việt Nam tham gia vào khung cạnh tranh này cần là các DN được tổ chức bài bản và có chiến lược phát triển dài hạn được xác định rõ ràng.

Về mô hình logistics cần hướng tới

Với việc phát triển logistics tại Việt Nam, cần có mô hình phát triển. Mô hình được xây dựng đúng, phù hợp và tốt thì sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của đối tượng đó cũng như hình thành nên một sức mạnh từ nội lực. Sự phát triển lĩnh vực logistics đòi hỏi cần có nhiều yếu tố phối hợp với nhau để tạo nên một hệ thống vận hành một cách thống nhất như cơ sở hạ tầng, con người, thông tin, khả năng cạnh tranh và chất lượng của dịch vụ logistics. Từ các lập luận này, ta thấy mô hình logistics mà Việt Nam cần hướng đến và xây dựng sẽ là một hệ thống bao gồm sự kết hợp của nhiều yếu tố và các yếu tố này sẽ có tác động tương tác với nhau. Các yếu tố đó bao gồm yếu tố hải quan, yếu tố cơ sở hạ tầng, vận tải đường biển quốc tế, chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics, khả năng theo dõi hàng hóa, yêu cầu về tính đúng thời gian. Đây là những yếu tố cơ bản mà WB sử dụng để đánh giá sự phát triển của hoạt động logistics của các quốc gia.

Bảng 2. Các yếu tố cấu thành của mô hình phát triển logistics Việt Nam

STT

Yếu tố

Trọng số

1

Hải quan

0,41

2

Cơ sở hạ tầng

0,41

3

Vận tải biển quốc tế

0,4

4

Chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics

0,42

5

Khả năng theo dõi hàng hóa

0,41

6

Yêu cầu về đúng thời gian

0,4

7

Đánh giá tổng quát về lĩnh vực logistics

1

Đối với Việt Nam, có thể quan tâm hơn đến yếu tố “Chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics” bởi đây chính là điểm yếu và cũng là yếu tố cần phải cải thiện trong giai đoạn trước mắt. Mặt khác, như các phân tích ở phần nội dung về chiến lược ở trên thì thị trường Việt Nam có thể có hai hướng phát triển khác nhau dựa vào sự phát triển của công ty nước ngoài hoặc là phát triển dựa vào sự lớn lên và thúc đẩy của công ty Việt Nam. Điều này đưa đến sự cần thiết xem xét việc phân tách yếu tố “Chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics” thành hai thành phần là “Chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics của DN nước ngoài” và “Chất lượng và khả năng cạnh tranh logistics của DN Việt Nam”. Sự chia tách này sẽ giúp cho việc đánh giá mô hình sẽ tương ứng chặt chẽ và thể hiện cụ thể một cách thực tế chiến lược được đưa ra.

Về vấn đề triển khai chiến lược và mô hình phát triển logistics

Có được chiến lược và mô hình phát triển logistics cho Việt Nam đã là một điều khó, nhưng việc triển khai vào thực tế là một vấn đề còn khó hơn. Sự lựa chọn một trong hai hướng phát triển chiến lược này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành các cơ chế chính sách cần thiết để triển khai chiến lược. Các DN cả trong và ngoài nước đều sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự khác nhau về cơ chế chính sách để thể hiện nội dung chiến lược. Các DN sẽ phải tính toán phân bổ nguồn lực công ty như thế nào để phù hợp với môi trường thể chế trong lĩnh vực logistics. Mặt khác, bằng việc lựa chọn một trong hai chiến lược này, các vấn đề cũng như những yếu tố hỗ trợ của nhà nước như nhân lực, hỗ trợ tư vấn kĩ thuật, sự tiếp cận nguồn vốn… cần phải được lên kế hoạch cho phù hợp.

Tiếp đó là mô hình phát triển logistics được triển khai và các yếu tố trong mô hình được đầu tư và phát triển như thế nào. Cũng như việc triển khai bất cứ mô hình nào, vấn đề tiếp theo cần quan tâm là các yếu tố này sẽ được kết nối và đánh giá như thế nào. Sau khi đánh giá thì các yếu tố trong mô hình cần phải được phân tích và nhận định về hiệu quả để có những tính toán cần thiết để đưa ra các hướng giải quyết nhằm nâng cao dần tính tích cực được tạo ra bởi mô hình và qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chung của sức mạnh và chất lượng của dịch vụ logistics được xây dựng trên mô hình phát triển logistics.