Chiến lược tiếp thị thông minh của các ứng dụng Trung Quốc
Sự thành công của các ứng dụng và game Trung Quốc như Black Myth: Wukong, Temu, Shein, và TikTok đều có sự góp mặt của những chiến lược tiếp thị hiệu quả.
Năm ngoái, những ứng dụng tăng trưởng tốt nhất thế giới đều là sản phẩm từ Trung Quốc, chẳng hạn TikTok, Honor of Kings, Genshin Impact, PUBG Mobile, với doanh thu tổng cộng hơn 1 tỷ đô. Trong thành công chung ấy, mảng nổi bật nhất phải kể đến game, khi đến gần 1/3 doanh thu game điện thoại toàn cầu đến từ Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2027, các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm về hơn 39,6 tỷ đô nhờ game.
“Bom tấn” Hắc thoại Ngộ Không
Ông Vincent Fan, giám đốc kinh doanh toàn cầu của Mintergral, nhận định rằng các công ty Trung Quốc đang đánh chiếm thị phần thành công nhờ các yếu tố như sự linh hoạt, tính sáng tạo, khả năng tinh chỉnh sản phẩm ở thị trường nội địa trước khi ra quốc tế và việc tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.
Hiện nay, những lập trình viên Trung Quốc đều nghĩ đến khách hàng toàn cầu khi phát triển ứng dụng. Điều này trái ngược với quan điểm truyền thống, khi họ thường chỉ sản xuất ứng dụng phục vụ thị trường nội địa.
Một trong những cú hit gần đây nhất của game Trung Quốc là Hắc thoại Ngộ không (Black Myth: Wukong). Lấy cảm hứng từ bộ tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký, tựa game này được phát hành hồi mùa hè và nhanh chóng bán được hơn 10 triệu bản trong vòng 3 ngày, trở thành game Trung Quốc thành công nhất mọi thời đại và là một “bom tấn” lớn nhất năm trên thế giới.
Ông Philip Driver, CEO của The Game Marketer, phân tích rằng nếu nhìn từ góc độ tiếp thị, thành công của Black Myth: Wukong phần lớn đến từ nội dung tự nhiên, sự quảng bá của các influencer và chiến lược truyền thông mạnh mẽ. Ông lưu ý rằng thực tế game đã lên demo từ năm 2020 và nhận về hàng triệu view của khán giả Trung Quốc và phương Tây, thế nhưng các chiến lược tiếp thị khiến nhiều người lầm tưởng rằng Black Myth: Wukong thành công chỉ trong một sớm một chiều. Đó là một cách tiếp thị thông minh của họ.
Ông Arthur O’Neill đến từ Mindshare, agency chịu trách nhiệm quảng bá và phân phối nội dung của tựa game này, khẳng định chiến lược tiếp thị tổng thể được xếp đặt rất cẩn thận.
Họ bắt đầu “gieo hạt” cho game từ 4 năm trước, mỗi năm hé lộ thêm một chút, tạo nên sự hứng khởi và chờ đợi trong giới games thủ lẫn ngành game. Ngày phát hành chính chức, họ chọn cách tiếp cận toàn cầu, nhưng vẫn nhắm mục tiêu đến đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng phương thức. Những cuộc thảo luận, những tương tác từ tự nhiên đến trả phí đã khiến tựa game này luôn xuất hiện mọi lúc mọi nơi và trở thành tâm điểm chú ý.
Sự thành công của Black Myth: Wukong không phải trường hợp cá biệt, mà đó là minh chứng cho xu hướng phát triển sáng sủa của toàn bộ ngành game Trung Quốc.
TMĐT Trung Quốc dần soán ngôi đối thủ ngoại quốc
Không chỉ game, các nền tảng TMĐT của Trung Quốc như Shein, Temu hay TikTok Shop cũng mở rộng quy mô toàn cầu với tốc độ đáng kinh ngạc.
Một điều dễ thấy, các nền tảng này đều áp dụng chiến lược về giá. Bằng cách đưa ra mức giá rẻ và các mã khuyến mãi, họ có thể thu hút khách hàng và nhanh chóng mở rộng thị phần. Tuy nhiên, thành công của họ không chỉ đến từ giá cả, mà đó còn là kết quả khi áp dụng hiệu quả các chiến lược bản địa hóa, tiếp thị bằng influencer và chạy quảng cáo nhắm đối tượng.
Chẳng hạn, Shein đã chứng minh được sức mạnh của thương mại mạng xã hội và tầm quan trọng của việc thấu hiểu khách hàng. Ngay từ lúc bắt đầu, họ nhận định Gen Z là đối tượng khách hàng chính. Họ tương tác với khách hàng thông qua các quảng cáo của influencer và những quảng cáo nhắm đối tượng, từ đó chuyển đổi trực tiếp tương tác trên mạng xã hội thành doanh số.
Lý thuyết là vậy, nhưng Shein thực hành còn thông minh hơn, khi họ có thể tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi, tạo ra tương tác thời gian thật thông qua các mẫu thiết kế hot trend. Điều này giúp Shein thành công bởi người tiêu dùng ngày nay muốn thương hiệu phải luôn luôn diện hiện và nhanh chóng phản hồi mọi lúc mọi nơi.
Trong khi đó, Temu dạy cho giới tiếp thị tầm quan trọng của những chiến lược táo bạo để nâng cao độ nhận diện, chẳng hạn chấp nhận đổ hàng đống tiền để xuất hiện trên Super Bowl. Đây là chiến dịch kiểu “liều ăn nhiều,” rất tốn kém chi phí, nhưng đổi lại họ được tiếp cận một cơ sở khán giả vô cùng rộng lớn và đa dạng chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cũng như in vào đầu khán giả rằng họ là một sàn bán hàng giá siêu rẻ.
Đối với trường hợp của TikTok Shop, đó là sự kết hợp giữa thương mại và nội dung. TikTok đã khai thác hiệu quả tâm lý “mua hàng bốc đồng” bằng cách tích hợp luôn tính năng mua sắm vào ứng dụng mạng xã hội của mình, từ đó khiến quá trình từ xem nội dung đến mua hàng trở nên mượt mà và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Câu chuyện của họ cho thấy nếu biết giảm rào cản tương tác, thương hiệu sẽ có thể nâng cao trải nghiệm người dùng.
Những khó khăn
Mặc dù các công ty Trung Quốc nhanh chóng thắng lợi ở thị trường quốc tế nhờ các chiến dịch tiếp thị, thế nhưng một số chuyên gia nhận định rằng các chiến dịch này chỉ có thể áp dụng ngắn hạn. Một khi đã phát triển và có chỗ đứng, họ cần phải xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, bền từ trong cốt lõi, chứ không chỉ dựa vào sự bùng nổ nhất thời.
Ngoài ra, một rào cản mà các ứng dụng Trung Quốc hay gặp phải là nghi ngờ về tính bảo mật. Không dưới vài lần, ứng dụng Trung Quốc bị giới chức phương Tây điều tra, bị xem là công cụ tuyên truyền và ăn cắp thông tin cá nhân, hoặc nặng hơn nữa là bị cấm. Chẳng hạn TikTok bị cấm ở Ấn Độ, Hong Kong, Nepal, Afghanistan, Somalia, Iran; bị Ủy ban Châu Âu và chính quyền Vương quốc Anh cấm trên các thiết bị của nhân viên chính phủ; hoặc đứng trước nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Đó là những khó khăn rất lớn trên con đường mở rộng toàn cầu mà ứng dụng và game Trung Quốc phải đối mặt.