Yếu tố nào giúp ASEAN trở nên đặc biệt?
Lấy thương mại tự do trong nội khối làm “mỏ neo”, tiềm năng sâu rộng của ASEAN chính là yếu tố khiến khu vực này trở nên đặc biệt.
Từ một nền kinh tế quy mô 473 tỷ USD vào năm 1992, ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã tăng gần gấp 7 lần về quy mô, trở thành một nền kinh tế quy mô 3,6 nghìn tỷ USD trong năm 2023.
Tỷ trọng của ASEAN trong GDP thế giới tăng từ 1,9% trong năm 1992 lên 3,5% trong năm 2023. Và không chỉ dừng ở đó. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, tỷ trọng của ASEAN trong GDP thế giới có tiềm năng tăng lên đến khoảng 4% vào cuối năm 2029.
Trong báo cáo "ASEAN Perspectives - Rộng lớn hơn, chất lượng hơn và còn nhiều điều đang chờ ở phía trước" và được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố đã nhận định: "Với những nhà đầu tư tìm kiếm sự năng động, chẳng cần tìm đâu xa, Đông Nam Á chính là điểm đến.
ASEAN chiếm thị phần ngày càng tăng trong nhiều hoạt động kinh tế trên thế giới, với mỗi nền kinh tế ASEAN đều dẫn đầu ít nhất một mảng".
Thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng
Theo dự báo của IMF, không có gì đáng ngạc nhiên khi thương mại ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Thái Lan từng là cường quốc sản xuất đầu tiên của ASEAN khi trở thành một quốc gia đi đầu thế giới về sản xuất phương tiện giao thông. Với những lợi thế về chi phí và kinh tế ổn định, ASEAN sau đó đã đón đầu làn sóng sản xuất điện tử bằng cách thu hút FDI từ những nền kinh tế đã phát triển như Nhật Bản và Mỹ nhằm mang về công nghệ cần thiết để khởi động sản xuất.
Chính tại nơi đây, Singapore và Malaysia đã chiếm được thị phần đáng kể trong xuất khẩu một số loại chip cụ thể. Năm 2014, hai quốc gia này đã nắm giữ gần 30% thị phần toàn cầu trong mảng chip xử lý.
Theo đánh giá của HSBC, Khu vực này cần thị trường rộng lớn hơn để tiêu thụ. Ưu tiên số một chính là thúc đẩy thương mại tự do nội khối. Ý tưởng ban đầu không chỉ đơn thuần là mở rộng thị trường cho từng quốc gia mà là thiết lập vị thế cho bản thân khối ASEAN như một cứ điểm sản xuất hấp dẫn.
Từ Thỏa thuận về Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung 1992 (CEPT), đến những khung pháp lý tiến bộ hơn như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009 (ATIGA), thương mại nội khối ASEAN đã trở nên gần như thông suốt không biên giới, biến ASEAN trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của chính khối này.
Từ năm 2005 - 2010, ASEAN trong vai trò một thể thống nhất đã tham gia các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Đỉnh điểm của những thỏa thuận này chính là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), theo đó, 15 quốc gia đại diện gần 1/3 dân số thế giới, liên kết hình thành khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Trong khi thương mại toàn cầu có xu hướng quay vào trong và chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, ASEAN đã đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Khối này tiếp tục tận dụng thương mại tự do để nhập khẩu đầu vào quan trọng với giá cạnh tranh, biến thành hàng hóa giá trị cao hơn và rồi bán sang một thị trường rộng lớn hơn.
Và chiến lược này đã cho trái ngọt. ASEAN gia tăng thị phần toàn cầu trong xuất khẩu hàng hóa từ 6,1% trong năm 2005 lên 7,4% trong năm 2023.
Thị phần toàn cầu của ASEAN vượt qua cả thị phần của Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cộng lại trong năm 2017 và suýt vượt qua cả Mỹ.
Đáng chú ý, khi những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao trong giai đoạn 2018-2019, các nhà đầu tư nước ngoài nương náu vào sự trung lập và cơ chế thương mại tự do của ASEAN.
FDI tăng vọt khi các chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này để tránh kiểm soát thương mại. Cuối cùng thì khu vực này đã vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm tiếp nhận FDI lớn nhất châu Á (nguồn: UNCTAD).
HSBC đánh giá, căng thăng thương mại đã giúp cả khối ASEAN được hưởng lợi, trong đó, Việt Nam đã lên vị trí cường quốc sản xuất ngày nay. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chứng kiến thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng lên nhiều nhất.
"Bất chấp những xu hướng toàn cầu, chúng tôi cho rằng ASEAN sẽ vẫn kiên định tiếp tục mở rộng độ phủ sóng", các chuyên gia của HSBC nhận định và cho rằng: "Chính độ mở này sẽ tạo nên sức mạnh chính cho nền kinh tế ASEAN trong vòng năm năm tới.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, xuất nhập khẩu của ASEAN sẽ nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn 2024 - 2029, đưa khu vực này trở thành hình mẫu đại diện cho thương mại".
Quy mô kinh tế sẽ vượt Nhật Bản và năm 2029
Báo cáo của HSBC cho biết, ASEAN - nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới vào năm 2005, đã vươn lên vị trí thứ 5 vào năm 2023. Còn theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, khu vực này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức bình quân 4,7% trong giai đoạn 2024-2029, khiến ASEAN trở thành khối kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đáng chú ý, ở châu Á, tăng trưởng của ASEAN chỉ đi sau mỗi Ấn Độ và Bangladesh.
Với tốc độ này, ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Trong khi mức độ tăng trưởng sâu rộng của ASEAN là điều không cần bàn cãi, một yếu tố khác khiến khu vực này thậm chí còn ấn tượng hơn.
Tỷ trọng của ASEAN trong dân số thế giới đạt đỉnh vào năm 2012 ở mức 8,59% và bắt đầu giảm dần sau đó. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2035, con số này được dự báo sẽ giảm từ 8,5% xuống 8,33%. Nếu thị phần ngày càng gia tăng của ASEAN trên thế giới không phải do nhân khẩu học thúc đẩy, vậy thì đâu mới là động lực?
Cũng với tỷ lệ dân số tương đương, ASEAN cho ra lò hàng hóa và dịch vụ có giá trị cộng thêm nhiều hơn trước đây. Từ hàng công nghệ cao đến dịch vụ phức tạp và phục vụ thị trường ngách, ASEAN không ngại đổi mới, sáng tạo và sản xuất thêm giá trị.
Trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2014 và 2024, ngoại trừ Malaysia, tất cả các nền kinh tế ASEAN đều có thứ hạng cải thiện đáng kể, trong đó, Singapore là nền kinh tế có mức độ đổi mới, sáng tạo cao thứ tư thế giới.
Kết quả này cũng được phản ánh trong thị phần hàng sản xuất công nghệ cao toàn cầu. Không chỉ một lượng lớn hàng công nghệ cao được sản xuất tại Trung Quốc và ASEAN mà hai nền kinh tế này còn vượt xa những quốc gia đang phát triển khác trong việc mở rộng thêm hoạt động sản xuất.
"Sự không chắc chắn đang phủ bóng lên hoạt động thương mại thế giới. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng ASEAN sẽ tiếp tục là nơi nương náu cho thương mại tự do.
Và song hành cùng với thương mại tự do chính là cạnh tranh. ASEAN đã cho thấy khu vực này quyết tâm đổi mới sáng tạo, hấp thu công nghệ hiện đại và bí quyết công nghệ để giúp các doanh nghiệp mài sắc vũ khí trong khi tìm kiếm thị trường lớn hơn để tiêu thụ. Chính bởi lẽ đó chúng tôi tin rằng ASEAN, với cốt lõi là thương mại tự do nội khối, sẽ vẫn bền bỉ, kiên cường, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và tầm ảnh hưởng", báo cáo của HSBC viết.