Chiến lược vượt khó của doanh nghiệp Việt

Theo Báo Đầu tư

Sự kiện “Ngày Nhân sự Việt Nam 2012” vừa diễn ra tại TP.HCM đáng ra phải dành nhiều thời gian để nói về những vấn đề liên quan đến nhân sự, tuy nhiên do chủ đề của sự kiện năm nay là “Chất lượng Lãnh đạo doanh nghiệp Việt” do đó các doanh nhân tham gia sự kiện đã chia sẻ nhiều về kinh nghiệm vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Chiến lược vượt khó của doanh nghiệp Việt
Ngày nhân sự năm 2012 đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia
Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Giấy Sài Gòn cho biết, cuối năm nay công ty sẽ đưa vào vận hành nhà máy mới với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD với kỳ vọng là sẽ đón đầu cơ hội mới sau khủng hoảng.

Từ thực tế, khủng hoảng kinh tế kéo dài song nhiều doanh nhân vẫn lạc quan về một tương lai mới sẽ mở ra. Ông Cao Tiến Vị cho rằng, sự lạc quan là cần thiết tuy nhiên người lãnh đạo doanh nghiệp (DN) cần có sự tỉnh táo để tìm ra phương cách riêng cho DN mình, để vượt lên khủng hoảng. Bài học của Giấy Sài Gòn đó là, thời gian qua công ty chấp nhận mục tiêu tăng trưởng chậm lại một chút, để củng cố lực lượng, huấn luyện, đào tạo và chuẩn bị một thời cơ đột phá trong tương lai gần.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đồng Tâm thì cho biết, không phải bây giờ công ty ông mới cảm thấy khó khăn mà ngay từ lúc thành lập công ty đến nay, lúc nào cá nhân ông cũng thấy có sự khó khăn. “Vì mình luôn muốn cái mới nên lúc nào cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Thắng giải thích và cho rằng khó khăn hiện nay mà DN gặp phải vẫn còn… đỡ hơn những năm đầu thập năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó kinh tế còn khó khăn hơn hiện nay và DN gặp nhiều những quy định ràng buộc. “Nếu như chúng ta khiêng một món đồ gì đó mà chúng ta có tư tưởng uể oải thì món đồ đó chúng ta không bao giờ khiêng lên được, nhưng nếu với món đồ đó chúng ta mạnh mẽ cùng nhau hè sức thì món đồ đó sẽ được khiêng lên”, ông Thắng nói.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng giám đốc công ty Microsoft Việt Nam, ông Vũ Minh Trí cho rằng, việc lèo lái DN vượt qua khủng hoảng đó không phải là cuộc chạy nước rút mà là cuộc chạy đua đường trường. Do đó, nếu chạy đua đường trường mà nó phẳng lặng quá thì nó rất chán. Thực tế, trong quá trình phát triển lâu dài DN sẽ đối diện với nhiều khủng hoảng chứ không phải ngày hôm nay mới gặp khủng hoảng. Với kinh nghiệm trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở các tập đoàn lớn trên thế giới, ông Trí cho rằng, tất cả những DN phải định hướng rõ mục đích tồn tại của DN là gì. “Nếu mục đích tồn tại của DN không tạo nên một giá trị gia tăng gì, mà chỉ là tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, tận dụng cơ hội này, cơ hội kia thì cho dù khủng hoảng hay không thì cuộc chạy đua sẽ chỉ là cuộc chạy nước rút, có thể huy hoàng rồi sớm kết thúc”, ông Vũ Minh Trí nhấn mạnh.

Riêng ông Cao Mạnh Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) thì cho rằng, vượt qua khó khăn ở thời điểm này là không đơn giản với DN, do đó việc “lên giây cót” đối với chính bản thân lãnh đạo DN và với chính đội ngũ của mình là luôn phải làm. “Trong sâu thẳm chúng ta đều thấy có tia sáng, tuy nhiên sự kiên nhẫn là cần thiết nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Cao Mạnh Dương cho biết thêm.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, nếu DN không chọn hướng đi tới được thì phòng thủ để đón đầu cơ hội trong thời gian tới là việc làm cần thiết. Bởi thời gian tới, với chủ trương chính sách của Chính phủ, sự nỗ lực của các DN, đồng lòng của cộng đồng thì DN có nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn hơn. Hơn thế, cơ hội cho DN còn rất lớn bởi thị trường của chúng ta rộng lớn với gần 90 triệu dân.