Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030


Ngày 19/4/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngoài việc triển khai một số nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Quyết định số 493/QĐ-TTg, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Phát triển xuất nhập khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế và quá trình tự do hoá thương mại của Việt Nam thời gian qua là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ.

Trong những năm qua, đặc biệt trước tác động của đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động tiêu dùng, giải trí, du lịch bị đình trệ, nhu cầu tiêu dùng giảm và gây nên sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực. Trong đó, về quy mô tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong tháng 12/2019.

Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỷ USD năm 2016 lên 281,5 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 12,5%/năm. Từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 xuất siêu từ 1,77 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD năm 2017; 6,8 tỷ USD năm 2018 lên 10,9 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 tiếp tục ghi nhận mức 19,1 tỷ USD.

Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm về đích với con số kỷ lục đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. Trong 3 tháng đầu năm 2022 hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững, ngày 19/4/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Chính phủ đề ra nhiều mục tiêu cụ thể như:

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7-8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm.

- Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33-34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49-50% vào năm 2025 và 46-47% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ nay đến năm 2030 như:

Một là, đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Điều này có thể tác động đến hoạt động giao thương, thương mại toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu của các thị trường xuất nhập khẩu truyền thống và tiềm năng của Việt Nam.

Hai là, hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do quy mô xuất nhập nhẩu ngày càng lớn. Với độ mở kinh tế ngày càng lớn và việc tham gia khá nhiều các hiệp định tự do thương mai cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, điều hành để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN nhưng cũng phải quản lý, kiểm tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ba là, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề như: Yếu tố kỹ thuật, quy tắc xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc nhập khẩu; quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa; bài toàn sản xuất nội địa và nguồn cung bền vững...

Bốn là, hội nhập kinh tế cũng mang lại những rủi ro tiềm tàng cho hoạt động xuất nhập khẩu như việc một lượng hàng hóa của nước ngoài có thể được vận chuyển qua Việt Nam để gian lận xuất xứ; các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng được các quốc gia áp dụng nhiều hơn...

Đề xuất giải pháp

Trong thời gian tới, ngoài thực hiện các giải pháp đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu

Trước chủ trương hội nhập kinh tế của đất nước, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua tiếp tục tăng trưởng về giá trị và quy mô. Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Trong đó, cần tập trung một số nội dung sau:

- Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng và đạt các chứng chỉ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

- Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng vệ thương mại, xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hoặc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng vệ thương mại. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hai là, phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

Đối với, sản xuất công nghiệp: Cần cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

Đối với sản xuất nông nghiệp: Triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững, 

phát triển du lịch và ẩm thực; Có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho từng cấp sản phẩm chủ lực: (i) Sản phẩm quốc gia; (ii) Sản phẩm địa phương; (iii) Sản phẩm OCOP; chính sách xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu.

Ba là, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu

Phát triển thị trưởng xuất khẩu, nhập khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Theo đó, cần tập trung một số nội dung sau:

- Xây dựng, củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các quốc gia thông qua thực thi hiệu quả cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do; đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam; nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng.

- Nâng cao năng lực và tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu thị trường, dự báo, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu.

- Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối hàng hoá tại thị trường nước ngoài.

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực mạng lưới xúc tiến thương mại ở trong nước và tại nước ngoài nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả ở cấp Chính phủ, ngành hàng, địa phương và doanh nghiệp.

- Triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến nhập khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn. Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch...

Bốn là, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn

Tiếp tục phát huy vai trò Hiệp hội ngành hàng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Ngoài ra, cần tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan toả, cùng liên kết, hợp tác và phát triển...      

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;

2. Trần Thị Thu Hiền (2022), Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa việt nam khi tham gia các fta thế hệ mới. Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công Thương;

3. Ngọc Diệp (2022), Xuất khẩu năm 2022: Những thuận lợi và khó khăn. Báo Thời nay;

4. Xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020: Dấu ấn chuyển mình của các doanh nghiệp trong nước, Tạp chí Công Thương, 2021.

(*) ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang - Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thương mại.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - tháng 5/2022.