Chiến tranh Syria có phải là một thương vụ lớn của ông Trump?

Theo Anh Mai/nhadautu.vn

Ra lệnh tiến hành cuộc không kích, bắn hàng trăm tên lửa vào Syria, mục đích của Tổng thống Donald Trump không chỉ dừng lại ở "dằn mặt" Syria. Kích cầu ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, thiết lập kiểm soát đối với các mỏ dầu... có thể là những "đích" ngắm xa hơn của vị Tổng thống xuất thân doanh nhân này.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nắn gân đối phương

Tổng thống Donald Trump đã chứng tỏ ông quả thật là con người khó dự đoán. Không ít những động thái, phát ngôn của ông được đưa ra nhằm mục đích "nắn gân" đối phương.

Ông đã nhiều lần nói không muốn can thiệp vào Syria. Ngày 30/3/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn tuyên bố: “Về lâu dài số phận của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ do nhân dân Syria quyết định”.

Đến ngày 7/4/2017, chưa đầy 3 tháng sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học do chính quyền Damas tiến hành nhắm vào thường dân ở Khan Cheikhoun. 

Ngày 11/4/2018, ông Trump đưa ra lời cảnh báo sau khi Nga tuyên bố sẽ bắn hạ mọi tên lửa Mỹ nhắm vào Syria. Ông tuyên bố trên mạng xã hội Twitter: "Nga hãy sẵn sàng bởi tên lửa sẽ tới, đẹp, mới và thông minh". Một ngày sau đó, ông lại khẳng định "chưa bao giờ nói khi nào cuộc tấn công vào Syria sẽ diễn ra. Nó có thể diễn ra rất sớm hoặc không rất lâu nữa".

Phát ngôn bất nhất của Tổng thống Mỹ trên mạng xã hội khiến nhiều người nghi ngờ chiến lược toàn diện của Nhà Trắng với vấn đề Syria. Nhiều ý kiến còn cho rằng, lời đe dọa tấn công Syria của Tổng thống Mỹ dường như chỉ là sự đáp trả bột phát tuyên bố "bắn hạ tên lửa" của đại sứ Nga.

Tuy nhiên, đêm 13/4, ông Trump đã hành động thực sự khi bất ngờ công bố hành động quân sự của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.

Kích cầu ngành công nghiệp vũ khí Mỹ

Đêm 13/4, rạng sáng 14/4, Mỹ và hai đồng minh Anh, Pháp đã tiến hành cuộc không kích Syria để đáp trả cáo buộc chính phủ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học khiến gần 70 dân thường thiệt mạng tại một thị trấn ở Syria hôm 7/4.

Ba mục tiêu chính của vụ tấn công là 1 trung tâm nghiên cứu khoa học ở Damascus, 1 cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học ở phía tây Homs, và 1 khu khác cùng các điểm chỉ huy gần đó.

Lầu Năm Góc khẳng định vào buổi sáng 15/4 rằng liên quân đã phóng ra tổng cộng 105 tên lửa. Đáp lại, Syria khẳng định không quân của họ đã đánh chặn thành công 71 tên lửa hành trình. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cuộc không kích vào Syria là “thành công hoàn hảo” và “kết quả không thể tốt hơn”.

Trước đó, tờ Washington Post dẫn thông tin từ một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng, vụ tấn công sử dụng các vũ khí được phóng từ máy bay và tàu hải quân Mỹ, bao gồm khoảng 100 tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo CNBC, mỗi tên lửa Tomahawk trị giá khoảng 1,4 triệu USD. Với khoảng 100 quả được phóng, chính phủ Mỹ đã tiêu tốn tầm 140 triệu USD.

Theo dữ liệu của SIPRI, trong giai đoạn 2012-2016, Mỹ xuất khẩu ước tính 47,16 tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự, là nước có kim ngạch xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới. Kế đó là Nga với 33,18 tỷ USD và Trung Quốc với 9,13 tỷ USD. Trong 10 tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới, có 7 tập đoàn của Mỹ; trong 3 tập đoàn lớn nhất, 2 là của Mỹ gồm Lockheed Martin, Boeing và một của Anh là BAE Systems.

Năm 2017, ngân sách cho quốc phòng Mỹ là 582,7 tỷ USD. Khi lên nắm quyền, ông Donald Trump chủ trương đặt an ninh quốc gia là một trong những ưu tiên của mình và đã "ngáng chân" người tiền nhiệm khi tuyên bố ủng hộ đánh giá lại ngân sách quốc phòng. 

Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ đã đề xuất “một khoản tăng lịch sử” cho quốc phòng năm 2018 để “kiến thiết lại” quân đội và để đối phó với các mối đe dọa của một thế giới “nguy hiểm”. Mục tiêu là đạt đến 603 tỷ USD vào năm 2018.

Ngay lập tức, thông báo trên đã khiến cổ phần của các công ty có hợp đồng với Lầu Năm Góc tăng lên. Nhưng với thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, kiêm chủ tịch Ủy ban Quân sự tại Thượng Viện, khoản tăng đó vẫn chưa đủ và ông yêu cầu phải tăng thành 640 tỷ USD cho năm 2018.

Không dừng lại ở con số này, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn dự kiến sẽ đề xuất lên quốc hội bản kế hoạch ngân sách quốc phòng cho năm 2019 với tổng trị giá lên tới 716 tỷ USD.

Khi ra lệnh bắn cả trăm tên lửa Tomahawk, mỗi tên lửa trị giá hơn 1 triệu USD, Tổng thống Mỹ đã gửi tín hiệu tích cực mới đến một trong số các tập đoàn công nghiệp có thế lực của Mỹ. Quyết định trên cũng được hiểu là lời hứa một tương lai xán lạn cho ngành công nghiệp vũ khí.

Một trong những lời hứa tranh cử của ông Trump là làm cho "nước Mỹ lại vĩ đại". Có nhiều cách hiểu tuyên ngôn này. Với ông Trump là đưa sản xuất trở lại, là lợi ích Mỹ trên hết, và cả tăng cường đầu tư quốc phòng.

Vốn xuất thân là một thương gia tài ba, ông Trump sẽ luôn luôn tính toán nước Mỹ sẽ được gì trong bất kỳ thương lượng nào với một nước khác.

Dầu mỏ - mục tiêu của Mỹ ở Syria thời hậu chiến

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sự bất ổn tại Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu thô Brent vượt quá mức 70 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (13/4), giá dầu Brent đóng cửa tăng 56 xu Mỹ lên 72,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 32 xu Mỹ lên 67,39 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang là nhân tố đẩy giá dầu lên cao hơn. 

Mặc dù Syria không phải nước khai thác dầu lớn, nhưng nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày.

Liên quan tới vai trò của Mỹ tại Syria, các chuyên gia ngay từ đầu đã nhận định, kiểu gì Mỹ cũng sẽ không rút quân. Ngày 2/4, ông Barýs Doster, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng, ít có khả năng Mỹ sớm rút quân khỏi Syria. 

Mỹ đã cung cấp cho các nhóm người Kurd 5.000 xe tải với vũ khí và có kế hoạch sử dụng các nhóm này để thành lập quân đội chính quy lên tới 50.000 người. Bây giờ trên lãnh thổ Syria có 20 căn cứ của Mỹ. Sau khi đầu tư những khoản tiền lớn như vậy, chắc chắn người Mỹ sẽ không rời khỏi Syria trong tương lai gần, ông nói.

Quả đúng như vậy, ngày 3/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã tuyên bố trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ tiếp tục duy trì binh sĩ tại Syria. Ông Trump cho rằng cuộc chiến chống IS chưa thể kết thúc. Ông Trump tuyên bố Mỹ cần duy trì lực lượng tại Syria ít nhất thêm 2 năm nữa.

Trong khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố đã sạch bóng IS thì tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố Mỹ không muốn rút quân để chống IS. Hay đó chỉ là cái cớ để Mỹ ở lại. Nếu vậy, Mỹ ở lại là vì cái gì?

Theo hãng tin Sputnik, trong Hội nghị An ninh Quốc tế tại Moscow (Nga), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Syria, ông Mahmoud al-Shawa đã cáo buộc Mỹ đang có ý đồ thiết lập kiểm soát đối với các mỏ dầu ở Syria.

Ông Mahmoud al-Shawa cho biết Mỹ đã "quyết định tạo ra nhiều lý do khác nhau để biện minh cho sự tồn tại bất hợp pháp của căn cứ và quân đội của nước này trên lãnh thổ Syria để thiết lập quyền kiểm soát và thống trị các mỏ dầu của Syria". Vị Thứ trưởng cũng cáo buộc Mỹ duy trì tổ chức khủng bố IS tại Syria nhằm phục vụ mục đích này.

Vị quan chức này cũng lưu ý rằng sau khi các lực lượng của Nga và Iran "tham gia kết thúc cuộc chiến tại Syria " thì Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình ở phía bắc Syria.

Liên quân do Mỹ lãnh đạo bao gồm hơn 70 quốc gia thành viên đang tiến hành các hoạt động quân sự ở Syria và Iraq. Các hoạt động quân sự này được chính phủ Iraq ủng hộ, nhưng chính quyền Damascus lại lên tiếng phản đối sự hiện diện quân sự bất hợp pháp này.