Giới đầu tư "hứng đòn" khi ngòi nổ Mỹ - Nga - Syria chưa hạ nhiệt

Theo Anh Mai/nhadautu.vn

Nguy cơ Mỹ và liên quân tấn công ồ ạt vào Syria, bất chấp những lời cảnh báo cứng rắn của Nga, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi hai cường quốc hàng đầu thế giới này không thể tìm được cách thức thương lượng để giải quyết bất đồng, tranh chấp thì mối lo lắng đang bao trùm lên giới đầu tư.

Nguy cơ Mỹ và liên quân tấn công ồ ạt vào Syria, bất chấp những lời cảnh báo cứng rắn của Nga. Nguồn: internet
Nguy cơ Mỹ và liên quân tấn công ồ ạt vào Syria, bất chấp những lời cảnh báo cứng rắn của Nga. Nguồn: internet

Căng thẳng hơn Chiến tranh Lạnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/4 tuyên bố trên Twitter rằng Nga nên chuẩn bị đối phó với tên lửa của Mỹ sắp được bắn đến Syria.

"Nga dọa bắn rơi mọi tên lửa tấn công Syria. Vậy Nga hãy chuẩn bị đi, tên lửa sắp đến rồi đó", Tổng thống Trump chia sẻ trên Twitter cá nhân.

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng tên lửa sắp tấn công Syria là loại tên lửa mới, "đẹp và thông minh".

Syria ngày 11/4 cho rằng những lời đe dọa mà Tổng thống Mỹ đưa ra là "liều lĩnh", cho thấy sự "thiếu khôn ngoan và logic".

"Chúng tôi không bất ngờ bởi hành động leo thang liều lĩnh này từ một Chính phủ như Mỹ", AP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Syria cho biết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet đe dọa tấn công tên lửa nhằm vào nước này.

Ông Trump cũng tuyên bố Nga không nên kết thân với "chế độ tàn ác" đã giết hại chính nhân dân của mình, với hàm ý buộc tội quân đội Chính phủ Syria gây ra vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma hôm 8/4.

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng quan hệ Nga - Mỹ đang "tồi tệ nhất từ trước đến nay", thậm chí xấu hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông ngụ ý sẽ giúp đỡ nền kinh tế của Nga, vốn đang chật vật vì cấm vận, nếu Moscow hợp tác với Washington và chấm dứt chạy đua vũ trang.

Đáp trả lại dòng "tweet" của Tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố tên lửa "thông minh" mà Tổng thống Trump dọa nhắm vào Syria có thể được sử dụng nhằm "xóa sạch bằng chứng về vũ khí hóa học" tại Douma.

Tuyên bố của ông Trump đưa ra ít giờ sau khi Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo sẽ bắn hạ mọi tên lửa của Mỹ tấn công Syria. Ông Zasypkin thậm chí còn tuyên bố các nguồn khai hỏa, có thể hiểu là các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cũng sẽ bị Nga tấn công trả đũa.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ sử dụng vũ lực đáp trả lại cuộc tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Syria. 

Hôm 8/4, cuộc tấn công tại thị trấn Douma, khu vực cuối cùng tại Đông Ghouta còn nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng đối lập, đã khiến 70 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Các nạn nhân có triệu chứng sùi bọt trắng ở miệng, co giật, dấu hiệu của trúng độc.

Phương Tây cáo buộc quân đội Chính phủ Syria sử dụng chất độc hóa học thần kinh Sarin trong vụ tấn công. Washington cũng cho rằng Nga và Iran, hai đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Assad, phải chịu trách nhiệm liên đới.

Nga, Iran và Syria đồng loạt bác bỏ cáo buộc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Douma. Nga cho biết các chuyên gia quân sự nước này và tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria không tìm thấy bằng chứng vũ khí hóa học được sử dụng. Moscow tuyên bố cáo buộc về vụ tấn công hóa học chỉ là cái cớ để phương Tây mở rộng can thiệp quân sự tại Syria.

Có thể nói nguy cơ Mỹ và liên quân can thiệp quân sự vào Syria, bất chấp những lời cảnh báo cứng rắn của Nga, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những động thái chuẩn bị về mặt quân sự của các bên đã minh chứng cho điều đó. Vậy nếu can thiệp quân sự xảy ra, Mỹ và liên quân sẽ dùng kịch bản tấn công nào và liệu quả bom chiến tranh có thể được tháo kíp an toàn?

Kịch bản nào cho giới đầu tư?

Lệnh trừng phạt từ Mỹ và những cáo buộc tấn công hóa học tại Syria đang để lại những chấn động không nhỏ lên nền kinh tế Nga.

Tờ Financial Times đưa tin, chứng khoán Nga đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong vòng bốn năm qua. Nguyên nhân được cho là do các tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với nền kinh tế Nga, cũng như những lo sợ xung quanh khả năng leo thang xung đột tại Syria.

Hôm thứ Hai (9/4), thị trường chứng khoán Nga sụt giảm mạnh hơn rất nhiều, so với các phản ứng vào cuối tuần trước, sau khi bảy doanh nhân và 14 công ty nước này bị Mỹ tuyên bố trừng phạt. 

Giới đầu tư hiện khá e ngại về nguy cơ địa chính trị gia tăng, liên quan tới việc các tài sản của Nga có thể bị đóng băng. Điều này góp phần khiến chỉ số blue-chip MOEX của Moscow hạ 8,34% - mức giảm thấp nhất chỉ trong một ngày, kể từ khi phương Tây thi hành các lệnh trừng phạt vào năm 2014, sau quyết định sáp nhập Crimea của Nga. Đồng rúp Nga cũng giảm 4,1% so với đồng đôla. Đây cũng là lần trượt giá sâu nhất kể từ năm 2016.

Các công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Oleg Deripaska phải hứng chịu tổn thất lớn nhất trong phiên giao dịch ngày 9/4. Bản thân ông Deripaska và toàn bộ đế chế kinh doanh của mình cũng nằm trong danh sách trừng phạt được Washington công bố hôm 6/4 trước đó.

Giá cổ phiếu của Rusal - công ty sản xuất nhôm dưới trướng Deripaska, và hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong – đã giảm một nửa. Một công ty khác của ông là EN+, hiện đang niêm yết trên sàn London, cũng đã giảm 1/3 giá trị, dưới ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới.

Đáng chú ý, ngay cả các công ty không bị Mỹ “sờ gáy” cũng phải hứng chịu thiệt hại. Điển hình, giá cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank giảm 17%, và tập đoàn mỏ Norilsk Nickel giảm 15%.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đặt mục tiêu ngăn cản các doanh nhân có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga tiến hành kinh doanh bằng đồng đôla, cũng như “chặn đứng” các hợp đồng của họ với công dân Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm thứ Tư 11/4 kết phiên trong sắc đỏ do nhà đầu tư lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump phát tín hiệu chuẩn bị tấn công quân sự Syria.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa mất 218,55 điểm, tương đương 0,9%, còn 24.189,45 điểm. 26 trong tổng số 30 mã cổ phiếu thành phần kết phiên giảm giá.

Chỉ số S&P 500 giảm 14,68 điểm, tương đương 0,6%, xuống 2.642,19 điểm. 9 trong 11 nhóm cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó ngành viễn thông và tài chính giảm mạnh nhất, hơn 1%.

Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa giảm 25,27 điểm, tương đương 0,4%, xuống 7.069,03 điểm.

Cổ phiếu ngành năng lượng tăng mạnh khi giá dầu lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do lo ngại gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.

Trong khi đó, biên bản phiên họp tháng 3 của Cục Dự trữ liên bang (Fed) khẳng định quan điểm rằng cần tiếp tục nâng lãi suất để tránh nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Mike Loewengart, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược đầu tư tại E*Trade, cho rằng sự biến động vẫn chưa có dấu hiệu giảm bất chấp các số liệu kinh tế khả quan. Có nhiều vấn đề lớn hơn đang chi phối, trong đó có căng thẳng leo thang giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.