Chính sách đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải

Hà Anh

Để hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chính sách ưu đãi về thuế xuất khấu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 2344/TCHQ-TXNK hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Hải quan cho biết, giai đoạn 1: Từ ngày 1/9/2016 (Nghị định số 134/2016/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực) đến trước ngày 1/7/2019 (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực), quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện tại điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ thì căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo khoản 2, khoản 3 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 thì Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này khi xuất khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này.

Theo quy định tại khoản 12 Phụ lục III Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định hoạt động sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thuộc danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ.

Giai đoạn 2: Từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2021 (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực) pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện theo khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Trong đó, tại khoản 3 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung như sau: Sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) quy định tại khoản 12 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải...

Để đảm bảo việc xử lý miễn thuế thống nhất, đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan toàn bộ các lô hàng xuất khẩu là sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải trong 2 giai đoạn trên. Thực hiện truy thu thuế xuất khẩu đối với các trường hợp đã miễn thuế không đúng quy định.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định. Trong đó, nêu rõ lý do ấn định, truy thu (nếu có) và lập Bảng thống kê số liệu theo mẫu đính kèm, gửi về Tổng cục Hải quan trước ngày 31/7/2022.