Chính sách “giảm thuế giá trị gia tăng” và câu chuyện “kích cầu tiêu dùng”
Thực hiện Nghị định số 94 của Chính phủ, ngày 28/12/2023, quy định chính sách giảm thuế trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110, ngày 29/11/2013 của Quốc hội, theo đó tiếp tục giảm thuế GTGT xuống 8% từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc giảm GTGT góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm nguy cơ tăng lạm phát.
Ở nước ta, tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển theo xu hướng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, trong khi sức “cầu tiêu dùng” của người dân đang ở mức rất thấp bởi tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế trong thời gian qua, càng dẫn đến việc người dân “găm giữ” các tài sản có giá, tiết kiệm chi tiêu. Hệ quả là dù hàng hóa “có rẻ” đến mấy, doanh số và sản lượng bán ra của một số doanh nghiệp thương mại vẫn không tăng. Thực tế và khả năng chấp nhận “chi trả” của người dân cũng thấp và sức mua này vẫn còn một khoảng cách khá xa so với tiềm năng thị trường. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang đến gần, thì việc giảm thuế GTGT, kích cầu tiêu dùng có thể và cần thiết.
Liệu pháp “giảm thuế GTGT và kích cầu tiêu dùng” về bản chất là việc chủ động sử dụng “Bàn tay Nhà nước” tác động tích cực tới “tổng cung” và “tổng cầu” xã hội một cách thống nhất, có tổ chức và có chủ đích, theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng, kích hoạt và tăng động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh có sự suy giảm lòng tin và các động lực phát triển kinh tế gắn với các khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân...
Tuy nhiên, giảm thuế GTGT có thể sẽ có tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Song vấn đề cần cân nhắc là sức chịu đựng của ngân sách nhà nước khi nguồn thu từ GTGT vốn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu thu ngân sách từ bao năm qua sẽ sụt giảm đáng kể. Đặc biệt về trung hạn, nếu kéo dài quá lâu “liệu pháp này” và sử dụng không hiệu quả gói kích cầu có thể khiến gia tăng tích tụ về mất cân đối hàng - tiền và vi phạm nghiêm trọng quy luật lưu thông tiền tệ.
Một câu chuyện điển hình, năm 2023, Bình Thuận vinh dự đăng cai và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, đây được ví như chương trình kích cầu du lịch, đồng thời lan tỏa trên các lĩnh vực khác trong tỉnh. Câu chuyện kích cầu du lịch gồm nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh cho đến các hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá cả các loại hàng hóa du lịch, dịch vụ.
Đồng thời giới thiệu các sản phẩm tại phiên chợ và trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, tổ chức thành công các lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động văn hóa dân gian để du khách có thể tham gia trải nghiệm, khám phá văn hóa địa phương… Tuy giảm giá thành, nhưng tỉnh và ngành du lịch luôn đặt trọng tâm là phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, chất lượng phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch, để níu chân du khách quay trở lại Bình Thuận nhiều lần hơn.
Để có thể thực hiện xuyên suốt “liệu pháp này”, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, nay tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng hơn nữa. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chương trình khuyến mại tập trung quốc gia và bình ổn thị trường, cùng ký kết các hợp đồng “giữ giá”, đặc biệt là nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thiết yếu, cùng nhau giảm lợi nhuận để giúp khách hàng tiết kiệm chi tiêu tối đa, qua đó chuẩn bị “hầu bao” để bước vào cao điểm mua sắm với những ngày Tết Nguyên đán 2024.
Tóm lại, “giảm thuế” và “kích cầu tiêu dùng” có nhiều tác động tích cực hơn tiêu cực, đặc biệt các gói kích cầu có ý nghĩa lịch sử nhất định trong quá trình phát triển và quản lý kinh tế - xã hội đất nước, địa phương, nhất là trong các tình huống khẩn cấp và đặc biệt… Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế đòi hỏi sự “cẩn trọng và tỉnh táo”, tránh lạm dụng, kéo dài cũng như cần tăng cường công tác thông tin, thanh kiểm tra và kết hợp các giải pháp đồng bộ khác nhằm phát huy các tác động tích cực, trung hòa và phòng ngừa các tác động tiêu cực, góp phần ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô theo hướng bền vững.
Chính sách “giảm thuế GTGT” và câu chuyện “kích cầu tiêu dùng”, cho dù các giải pháp mang tầm vĩ mô hay vi mô, ngắn hạn hay dài hạn thì việc làm cho hoạt động kinh tế và đời sống xã hội sôi động trở lại vẫn là một mối quan tâm cần thiết, bởi bối cảnh kinh tế vẫn còn “ảm đạm” thì người dân khó vui cho nổi.