Chính sách hỗ trợ người lao động bị ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo

LH

(Tài chính) Rất nhiều người lao động khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ chữa trị dài ngày chưa hiểu rõ về các chế độ hỗ trợ, chi trả của Nhà nước. FinancePlus.vn xin cung cấp thông tin cụ thể về vấn đề này.

Nhà nước luôn quan tâm đến công tác khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhà nước luôn quan tâm đến công tác khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Người lao động khi đã tham gia mua bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Nhà nước chi trả trợ cấp từ hai nguồn quỹ này khi chẳng may ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ dài ngày. Cụ thể:

A, Từ quỹ bảo hiểm y tế

Theo Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định: Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau:

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; Người có công với cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Bên cạnh đó, người lao động đang làm việc tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23, Điều 25, Điều 26 của Luật BHXH.

B, Từ quỹ Bảo hiểm xã hội

Điều 2 của Luật BHXH quy định đối tượng (là công dân Việt Nam) được hưởng trợ cấp của Nhà nước khi ốm đau bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Điều 22 của Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.

2. Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế.  

Điều 23 của Luật BHXH quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi (30) ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm; bốn mươi (40) ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm (15) đến dưới ba mươi (30) năm; sáu mươi (60) ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi (30) năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi (40) ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm; năm mươi (50) ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm (15) năm đến dưới ba mươi (30) năm; bảy mươi (70) ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi (30) năm trở lên.

2. Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá một trăm tám mươi (180) ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn một trăm tám mươi (180) ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này tuỳ thuộc vào thời gian điều trị tại cơ sở y tế thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân. 

Điều 25 của Luật BHXH quy định về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 (và Điều 24)  của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ba mươi (30) năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ mười lăm (15) năm đến dưới ba mươi (30) năm;

c) Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung.  

Điều 26 của Luật BHXH quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau:

1. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Và để được hưởng các chế độ này, người lao động phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng (cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý lao động) về tình trạng sức khỏe, thời gian điều trị (cụ thể do BHXH và BHYT yêu cầu).