Chính sách nhập khẩu vàng: Cần một tư duy mới

ThS. Lê Văn Hinh

Một trong nhóm các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, theo Nghị quyết của Chính phủ ngày 24/2/2011, là quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Định hướng này dường như thay đổi 180 độ so với trước đây khi Nhà nước cấp giấy phép cho các DN nhập khẩu vàng mỗi khi giá vàng trong nước tăng mạnh.

Quan sát cho thấy, chính sách nhập vàng của VN những năm qua khá đặc biệt. Thông thường, chỉ có các DN lớn mới được cấp phép nhập vàng. Việc cho phép nhập khẩu vàng gần đây là khá bị động do sức ép của giá vàng trong nước lên cơn sốt. Vàng nhập khẩu về là vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng lưu hành trên thị trường nội địa là vàng của rất nhiều hãng vàng trong nước không được chấp nhận rộng rãi trong nước và thị trường quốc tế... Và kết quả là, theo Hiệp hội vàng thế giới (WGC), VN đã trở thành một cái tên vào loại hàng đầu thế giới về nhu cầu vàng vật chất.

Cân đo lợi ích

Cách đây 10 năm, một số chuyên gia cho rằng, với lợi thế về danh tiếng đó, VN có thể xây dựng thành một trung tâm vàng ở khu vực, cùng với xây dựng Hà Nội hoặc TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế (như HongKong, hoặc Singapore). Thực tế cho thấy, cho dù có nhiều nỗ lực, nhưng chính sách nhập khẩu vàng của VN vẫn bị trói buộc bỏi chủ thuyết “nhập vàng để can thiệp thị trường” và dường như đó là lời giải thích tại sao VN nhập khẩu vàng nhiều mà nền kinh tế vẫn thiếu vàng, và nơi đây mãi không trở thành trung tâm vàng thế giới.

Trong điều kiện hàng năm, lượng vàng nhập khẩu vào VN rất lớn, có năm tới hàng trăm tấn thì khi chính sách thay đổi 180 độ rõ ràng là tác động đến quyền lợi của khá nhiều nhóm lợi ích và vì vậy khi lập chính sách nhập khẩu vàng cần quan tâm đến các lợi ích.

Theo ước đoán, tổng lượng vàng nhập vào VN hàng năm cho mục đích dự trữ (vàng tiền tệ) chiếm tới 90%, có nghĩa là vàng đó đáp ứng nhu cầu dự trữ tài sản của dân là chính (thay cho nắm giữ tiền mặt). Quan sát quá trình du nhập của vàng miếng tiêu chuẩn quốc tế vào VN có thể thấy nhiều điều đáng chú ý mà khá nhiều nhà kinh tế đã đề cập. Đó là “quá trình biến vàng tốt, tiều chuẩn quốc tế, thành vàng tiêu chuẩn VN”. Nếu nhìn rộng hơn, trên góc độ dự trữ quốc gia thì quá trình đó cũng được hiểu là quá trình đổi ngoại tệ lấy vàng tiêu chuẩn VN (vàng quốc tế nhập về và cắt ra chuyển thành vàng gồm đủ các hãng). Việc nhập khẩu vàng hàng năm như vậy dễ nhìn thấy là quá trình tiêu tốn ngoại tệ để lấy tài sản vàng và lượng vàng đó đi vào cất giữ rất kỹ trong dân...

Trên góc độ kinh tế có thể thấy rằng, từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế, lượng vàng đó cũng là tài sản dự trữ ngoại hối (ngoài ngân hàng) và như vậy nếu cứ cho nhập khẩu vàng một cách không kiểm soát được và nhất là khi vàng này không có tính thanh khoản thì càng nhập khẩu vàng nhiều sẽ càng làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối bằng ngoại tệ của quốc gia. Ước tính theo giá quốc tế hiện thời, 1.400 USD/oz thì có thể mỗi năm, dự trữ quốc gia (cả chính thức và phi chính thức) của VN đã tiêu tốn khoảng 4,5 tỷ USD... Và như vậy, trong 10 năm qua chúng ta đã chuyển hóa hết khoảng trên dưới 40 tỷ USD thành tài sản kém thanh khoản theo cách đó.

Nhập vàng, tư duy cho tương lai

Theo cách thức nhập khẩu vàng như trên cho thấy, những năm qua VN nhập khẩu vàng vào khá nhiều và việc nhập khẩu vàng thường do các Cty ngoài ngân hàng thực hiện, mục đích là lợi nhuận... Việc nhập khẩu vàng thường trong các tình huống cấp bách do giá vàng trong nước tăng cao (nhập khẩu vàng để can thiệp giá, bình ổn thị trường). Việc nhập khẩu như vậy thường có tác dụng tức khắc là làm giảm giá vàng trong nước nhanh chóng, lợi ích xã hội lớn nhất được phản ánh vào lợi nhuận trực tiếp do các Cty nhập khẩu vàng. Ai cũng có thể nhận thấy mặt trái có thể của nó là làm khan hiếm nguồn ngoại tệ và đặc biệt làm giảm tính thanh khoản dự trữ ngoại hối quốc gia... và làm tăng tính “vàng hóa” nền kinh tế (cùng với USD hóa nền kinh tế). Lợi ích ngắn hạn là “can thiệp thị trường vàng, dập tắt các cơn sốt vàng” và các  lợi ích cục bộ khác thắng thế là cơ sở cho sự tồn tại lâu dài của một chính sách nhập khẩu vàng tồn tại hàng thế kỷ. Hiện nay, khi lợi ích quốc gia và dài hạn trên hết, chính sách nhập khẩu vàng như vậy đang đòi hỏi một sự tư duy mới có tầm chiến lược và đặc biệt phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của nền kinh tế làm kim chỉ nam. Tham khảo, quốc tế căn cứ tình hình VN, chúng ta có thể tư duy về chính sách nhập  khẩu vàng trong tương lai theo nguyên tắc nào đó, chẳng hạn:

Chính sách nhập khẩu vàng phải lấy lợi ích quốc gia làm gốc. Cân đối vàng, ngoại tệ - tỷ giá cần được tính toán, cân nhắc trong bài toán quốc gia. Nhu cầu dự trữ bằng vàng của dân là có thật. Tuy nhiên rõ ràng, trên phương diện quốc gia, vấn đề lượng vàng bao nhiêu là tối ưu và qua đó lượng vàng nhập khẩu hàng năm là bao nhiêu cần được tính đến.

Nhà nước cần kiểm soát được quá trình nhập khẩu vàng vật chất: Điều này không đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước chỉ đi lo cấp giấy phép nhập khẩu vàng mà cần xác định việc nhập khẩu vàng không tác động nhiều đến nguồn ngoại tệ hoặc đảm bảo ngân hàng (nền kinh tế) có thể sử dụng nguồn vốn bằng vàng đó

Việc cho phép nhập khẩu vàng vật chất, phải đi đôi với việc phát triển thị trường vàng trong nước theo định hướng nào đó (như đưa VN thành trung tâm vàng quốc tế).  

Việc nhập khẩu vàng hàng năm như vậy dễ nhìn thấy là quá trình tiêu tốn ngoại tệ để lấy tài sản vàng và lượng vàng đó đi vào cất giữ rất kỹ trong dân.

Việc nhập khẩu vàng phải gắn liền với định hướng phát triển các công cụ tài chính dựa trên vàng để tập trung nguồn vốn vàng vào ngân hàng hoặc vào trong tay nhà nước (làm giàu dự trữ ngoại hối chính thức chẳng hạn). Cơ quan quản lý đưa ra điều kiện về hoạt động kinh doanh vàng đối với các ngân hàng (cơ sở vật chất, chuyên gia có kinh  nghiệm, được đào tạo...). Nhà nước cần định hướng thành lập sở giao dịch vàng tập trung với cơ chế hình thành giá, cơ chế giám sát... tương tự như sở giao dịch chứng khoán.

Việc đưa ra một chính sách hiển nhiên là khó về mặt kỹ thuật và càng khó hơn khi phải hi sinh các lợi ích cục bộ và trước mắt và cần một sự đồng thuận của cả xã hội: từ dân chúng, DN đến nhà hoạch địch chính sách. Rõ ràng, chính sách vàng hiện nay không đơn giản mà nó cần những trái tim vàng, ít nhất để tập trung vốn để làm giầu tài sản quốc gia, giúp VN vượt qua thời điểm khó khăn về vốn như hiện nay. Nhìn lại lịch sử VN cho thấy, thời kỳ Cách mạng mới thành công, đất nước đã có bao nhiêu trái tim vàng thực sự, họ hiến đã vàng cho cách mạng một cách không lưỡng lự, đắn đo...