Chính sách phải đi vào cuộc sống

LH

(Tài chính) “Hàng trăm văn bản thiếu khả thi, cá biệt có văn bản còn phạm luật, quy định khung còn nhiều, thiếu tính dự báo nên phải nhanh chóng sửa đổi” - Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thừa nhận.

Văn bản thiếu khả thi cũng như đi trên con đường giao thông thiếu luật lệ, sẽ gây ách tắc cho xã hội. Nguồn: internet
Văn bản thiếu khả thi cũng như đi trên con đường giao thông thiếu luật lệ, sẽ gây ách tắc cho xã hội. Nguồn: internet

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2013 và thảo luận về một số dự án luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở các bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Đâu phải tự nhiên người đứng đầu Chính phủ lại phải ra yêu cầu như vậy !

Khi chính sách xa rời cuộc sống nó kéo theo biết bao hệ lụy: tốn phí ngân sách để xây dựng cơ chế chính sách, tốn phí công sức để cố đưa nó vào thực hiện, gia tăng sự thất vọng và giảm thiểu niềm tin… Nhưng tại sao lại có hiện tượng nhiều chính sách đưa ra không khả thi như vậy? Sẽ không thay đổi được nếu căn nguyên cơ bản không được điều chỉnh. Phải tìm được  mấu chốt của vấn đề, điều gì đang diễn ra, tại sao?

Một số chính sách khó hiểu

Gần đây có những văn bản cả ở thể loại quy định, hướng dẫn, thông tư cho đến thể loại cao hơn như:  nghị định, chỉ thị… của một số cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, đất đai, văn hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm,... dù là dự thảo hay đã đưa vào thực hiện đã gây luồng dư luận bất bình… bởi những văn bản này xa rời thực tế, không phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện tại. Đơn cử:

Trong lĩnh vực giao thông-vận tải: Bộ GTVT đưa ra dự thảo quy định xử phạt xe không chính chủ, dư luận lên tiếng cho là điều này đã gây phiền hà rắc rối cho người dân, do vậy đã phải tạm loại khỏi dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT được ban hành ngày 28/2/2013 của liên Bộ Khoa học và công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải ký về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trong đó quy định phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, từ 100.000 đến 200.000 đồng.  Quy định này gây khó khăn cho người thực thi cũng như phiền hà cho người xử dụng mũ. Ngay khi vừa ban hành ra, tuy chưa đến thời điểm áp dụng nhưng đã vấp phải phản ứng rất mạnh trong dư luận. Bộ Tư pháp cũng ngay lập tức có ý kiến phản đối quy định này. Thông tư số 06 đã bị dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực giáo dục: Thông tư 04 ngày 21/2/2013 của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra quy định không được phát tán thông tin bằng chứng vi phạm quy chế thi cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào và huỷ kết quả thi, cấm thi từ 1 đến 2 năm đối với người cung cấp thông tin nêu trên. Điều này là trái với Luật Khiếu nại, tố cáo nên ngay sau đó, ngày 1/3/2013, Bộ GD&ĐT đã phải bãi bỏ quy định này. Thông tư 24/TT-GDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành để sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, trong đó quy định cộng 2 điểm đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng... Dư luận cho rằng đây là một quy định rập khuôn, máy móc và không thực tế. Chỉ sau 12 ngày sau công bố,  Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên này.

Trong lĩnh vực kinh tế: Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành ngày 20/7/2012, quy định thịt sống chỉ bán trong 8 giờ, nếu bảo quản lạnh được bán trong 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non, ruột già được bán trong 24 kể từ khi giết mổ. Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT quy định các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt với khu dân cư, có thiết bị xử lý trứng, bảo quản trứng ở nhiệt độ lạnh thích hợp, có thiết bị vệ sinh, xử lý chất thải và phải rửa trứng, khử trùng trước khi bán… điều này rất khó thực hiện bởi người tiêu dùng và cơ quan quản lý không thể tự kiểm tra mà phụ thuộc hoàn toàn tiểu thương khai báo. Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải yêu cầu cơ quan ban hành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của công luận để việc ban hành văn bản chuẩn xác hơn.

Ngay việc xây dựng Luật NSNN là một luật có phạm vi bao trùm toàn bộ hoạt động thu chi ngân sách của Nhà nước, tác động đến mọi mặt kinh tế xã hội, đời sống của người dân cũng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: chưa phân cấp ngân sách rõ ràng, mâu thuẫn giữa quản lý NSNN theo cấp với quản lý theo ngành, lĩnh vực; Quy định quyền tự chủ trong quyết định các khoản thu ngân sách của địa phương chưa khuyến khích được các địa phương khai thác lợi thế của mình và chủ động nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu tiềm năng; Quy định về lập dự toán, quyết toán ở các cấp dưới còn mang tính hình thức; Chưa quy định trong Luật NSNN việc thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn…

Những văn bản điều chỉnh về đời sống văn hóa: Dự thảo Nghị định về phòng chống bạo lực gia đình có các quy định như: Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại; Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ban hành ngày 17/12/2012 quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức, trong đó quy định: “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”, mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa...; Dự thảo của Thành ủy Hà Nội về đảng viên tổ chức tiệc cưới không quá 300 người, không quá 50 mâm khách...; Quy định người xuất cảnh, đi nghĩa vụ quân sự… trên 2 năm thì xóa tên khỏi sổ hộ khẩu trong dự thảo Luật Cư trú; Quy định thu phí bảo trì đường bộ với người đi xe đạp điện... Những quy định này có vẻ có lý nhưng bị người dân là cho quá cứng nhắc, vô lý… không thể thực thi vì không phù hợp với phong tục tập quán, nếp nghĩ của người Việt Nam.

Ngay cả Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng có lúc còn bất cập: ví dụ Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị ban hành về các vấn đề văn hóa trong dịp tết Quý Tỵ 2013 có đưa ra quy định "nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên". Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này chưa thực sự khả quan và khó kiểm soát…

Một số quy định cần thiết nhưng lại khó thực hiện

Như Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã được Bộ Y tế ban hành, trong đó, từ ngày 1/5/2013 cấm người dân hút thuốc nơi công cộng (đặc biệt là trường học, bệnh viện). Tuy nhiên, do không có đủ đủ điều kiện về người thi hành xử phạt cũng như chế tài xử phạt nên đến nay, quy định này vẫn bị bỏ trống. Quy định việc xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại những khu vực bị cấm tại trong Nghị định 52/2012/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-8-2012. Tuy nhiên, quy định này cũng khó xử lý do ý thức của người dân chưa cao và việc tuyên truyền cũng chưa sâu rộng, thiết thực.

Trong phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Quy định các hộ nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND xã để được cấp số cho vật nuôi. Quy định này đã vấp phải phản ứng của người dân. Do người Việt Nam nuôi thú không chỉ để làm cảnh, làm bạn với người mà còn để giết mổ, và thú nuôi có khi bị mất cắp, chết bệnh… do vậy, quy định này gây phiền phức cho người dân. Hơn nữa, nhiều văn bản không phải là quy phạm pháp luật có tính bắt buộc, do vậy, người dân đã không thi hành vì thực hiện cũng được mà không cũng chẳng thấy ai phạt hay nhắc nhở gì…

Hướng đi cho công tác soạn thảo chính sách


Các văn bản chính sách ban hành để điều chỉnh mọi mặt của cuộc sống kinh tế - xã hội rất nhiều, chi phí để xây dựng các văn bản này hàng năm tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền của của xã hội (không phải là bạc triệu mà là bạc tỷ). Tuy nhiên, không thể liệt kê hết các văn bản không thể thực thi. Điều này không chỉ dẫn đến lãng phí mà còn dần dần làm ý thức pháp luật của người dân bị xói mòn từ bên trong. Và cuối cùng, không phải quy định nào cũng thiếu khả thi, có những quy định đúng nhưng xã hội đã coi hiệu lực của các quy định là tương tự nhau, nên không coi trọng nữa.

Có thể thấy rằng khi soạn thảo các thông tư, nghị định dù ở dạng dự thảo lấy ý kiến mà nặng về chủ quan duy ý chí, thiếu tầm nhìn, không khả thi, đều gây nên những bức xúc trong xã hội. Do vậy để tăng cái uy của các văn bản này thì trước hết cần phải chú ý ngay từ khâu dự thảo, muốn vậy các công chức ngoài sự mẫn cán, tâm huyết còn phải có một trình độ nhất định. Ngoài ra, phải tuân thủ quy trình công bố dự thảo trước một thời gian đủ dài để lấy ý kiến của nhân dân. Qua đó, các cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá tác động của chính sách trong thực tế trước khi ban hành nhằm hạn chế thấp nhất các sơ sót xảy ra. Tất nhiên khi lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân thì cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc trao đổi, nghiên cứu chính sửa để sớm đưa chính sách vào thực hiện, tránh tình trạng ngâm quá lâu hay “quên”, còn các quy định thì phải tuyên truyền rộng rãi và phải có cơ chế thực thi giám sát, có chế tài xử phạt vi phạm… Và hơn nữa, cần có quy định xử lý đối với cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm đã ban hành văn bản thiếu tính khả thi, sai quy định về chuẩn văn bản quy phạm pháp luật  (nguồn thuvienphapluat.vn).

Để chính sách đi vào cuộc sống, người làm chính sách phải thở hơi thở của cuộc sống, hơi thở thời đại, hơi thở của người dân. Không thể “ngồi trên mây” để làm ra các chính sách chỉ để nằm trên giấy.

Rõ ràng về mặt pháp lý, Quốc hội không nên để tiếp tục tồn tại tình trạng này, vì không đảm bảo tính pháp chế, tính minh bạch, công bằng và làm hạn chế phát triển chung của cả quốc gia. Sắp tới, Nhà nước đang nghiên cứu để xây dựng cơ chế thẩm định thông tư bảo đảm tính khách quan, minh bạch theo hướng giao một cơ quan thực hiện việc thẩm định đối với thông tư của tất cả các bộ, ngành - Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

Đặc biệt là công tác xây dựng luật. Trước đây, trong phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: nhiệm vụ của Quốc hội từ nay đến năm 2015 là phải rà soát lại toàn bộ những luật đã ban hành từ năm 2010 xem cái nào chưa được thi hành. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề xuất, ngay tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 10-2013, cần dành thời gian xem xét thấu đáo, thống kê sơ bộ có bao nhiêu luật mới hiện vẫn nằm trên giấy. Luật, chính sách chậm đi vào cuộc sống ngày nào thì doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thêm khó khăn, thiệt thòi ngày đó. Cuộc sống, nền kinh tế, thị trường không thể dừng lại để chờ chủ trương, chính sách, luật pháp (theo ANTĐ).

Nhìn ra nước bạn

Ví dụ từ Indonesia - một nước có điều kiện kinh tế xã hội gần giống Việt Nam: Tăng trưởng trong một số lĩnh vực quá nóng nhưng hạ tầng lại phát triển chậm chạp, không theo kịp…, chính sách đưa ra thiếu khả thi…

Lúc nới lỏng…

Indonesia không hạn chế nhập xe ô tô,  thậm chí còn trợ cấp cho người đi xe qua giá xăng, do vậy, phương tiện có động cơ ở Jakarta liên tục tăng với nhịp độ 10-12% năm. Hiện nay, thủ đô Jakarta có gần 18 triệu phương tiện cơ giới, trong đó hơn nửa là ô tô, chiếm 1/8 lượng xe ở Indonesia.

Hậu quả là: hiện, mỗi ngày ở thành phố lớn có tới hơn 300 ngàn xe đi vào lưu thông khiến tình trạng ách tắc đến mức không thể chịu đựng nổi. “Đường sá ọc ạch, khói bụi mù mịt, tốn phí thời gian chờ đợi trên đường và đặc biệt là tổn thọ của người giao thông…” là đánh giá quá thường tình cho tình trạng trên. Một đánh giá đáng “tự hào” hơn là: Jakarta vừa được ghi vào kỷ lục thế giới về hai cái nhất: Ô nhiễm nhất và ùn tắc nhất (ùn tắc có lúc kéo dài tới hàng trăm km).

…Khi thắt chặt

Chính quyền thấy tình trạng đã đến mức báo động đỏ: Jakarta mỗi năm thiệt hại tới 6,8 tỷ USD vì tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí. Nếu không nghĩ được biện pháp cải thiện tình hình thì tới năm 2014, người dân Jakarta sẽ bị “đóng băng”, khó mà nhúc nhích đi đâu được.

Các nhà nghiên cứu của nước này đang vắt óc tìm cách để giải quyết vấn đề.

Từ đầu năm nay, chính quyền Jakarta đã thi hành chính sách “3 trong 1” - Cảnh sát chỉ ưu tiên xe chở 3 người (có cả đàn ông, phụ nữ và con nhỏ) mới được đi vào luồng thông thoáng nhất trong giờ cao điểm. Và điều này đã tạo ra một nghề kinh doanh có một không hai: nghề ngồi thuê. Có một phụ nữ đã nói với phóng viên: “mỗi chuyến đi tôi thu được quãng 25.000 rupiah. Vừa được ngồi ô tô vừa được tiền”. Còn một chủ xe ô tô thì than thở: “nhiều khi đi ra đường, không có đủ người đành phải “trả tiền bắt khách” để thuê người đi cùng, Nếu thuê được hai mẹ con bế nhau thì tốt nhất, chỉ phải trả một xuất tiền thôi”… !

Không hiểu sao lại có sự trùng lặp kỳ lạ đến thế, họ cũng nghĩ đến một giải pháp như ở Việt Nam: phân chia luồng xe bằng cách chia ra ngày chẵn chỉ cho xe biển chẵn đi, ngày lẻ chỉ cho xe biển lẻ đi. Chính sách này được chính quyền cân nhắc, thi hành từ tháng 6/2013 để thay thế quy định trên xe ô tô phải có 3 người.

Các chính sách đưa ra đều rất lạ lùng, chỉ khác là, những chính sách này thì có thể thi hành được ở Indonesia, còn nếu thi hành ở Việt Nam thì bị phản đối kịch liệt. Sự khác biệt nào đã dẫn đến điều đó, phải chăng do người dân Indonesia biết chấp hành phát luật vô điều kiện còn người Việt Nam thì không ? Thực ra, là do tình thế bắt buộc, nước đến mũi rồi thì họ phải nhảy thôi, dù chưa biết nhảy lên thì hạ xuống đâu. Rồi chính sách này lại thay thế chính sách kia trên con đường dò dẫm tìm phương kế tự giải thoát…