Chính sách phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam

Nghi Thu

(Tài chính) Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 đã quy định rõ các chính sách nhằm phát triển điện hạt nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Quyết định này đã đề cập rõ 5 chính sách cần triển khai trong giai đoạn tới nhằm phục vụ cho phát triển điện hạt nhân của đất nước, cụ thể:

Đối với chính sách đầu tư:

- Đối với 4 tổ máy đầu tiên của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

- Xem xét giao các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư hoặc liên doanh đầu tư các tổ máy điện hạt nhân tiếp theo.

Đối với chính sách về công nghệ:

- Định hướng công nghệ lựa chọn là công nghệ hiện đại, an toàn và được kiểm chứng, đảm bảo hiệu quả kinh tế; thuận lợi trong vận hành, bảo trì, sửa chữa, đào tạo nhân lực, quản lý, cũng như khả năng tiến tới nội địa hoá thiết bị.

- Quy mô công suất tổ máy:

+ Giai đoạn đầu sẽ lựa chọn tổ máy với công suất khoảng 1.000 MW.

+ Giai đoạn sau năm 2025: xem xét công suất tổ máy lớn hơn.

Đối với chính sách về nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân:

- Cung cấp nhiên liệu hạt nhân: đến năm 2030, nhiên liệu của các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ được nhập khẩu.

- Quản lý chất thải phóng xạ:

+ Các chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình sinh ra từ các nhà máy điện hạt nhân được lưu trữ tạm thời tại kho chứa của nhà máy để sau này được chuyển đến lưu trữ lâu dài tại bãi chứa chất thải quốc gia.

+ Chất thải phóng xạ hoạt độ cao, chủ yếu là nhiên liệu đã cháy, được lưu trữ tạm thời tại nhà máy điện hạt nhân, dưới hình thức lưu trữ ướt tại các bể ngâm trong nhà máy điện hạt nhân.

Đối với chính sách nội địa hóa:

Nội địa hoá chế tạo thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân được tiến hành từng bước theo chương trình nội địa hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với chính sách về quan hệ quốc tế trong phát triển điện hạt nhân:

- Khẳng định chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu tham gia các công ước và điều ước quốc tế liên quan đến phát triển nhà máy điện hạt nhân phù hợp với xu thế chung của quốc tế.

- Đẩy mạnh hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ASEAN và một số nước thuộc tổ chức Hợp tác vùng (RCA), tích cực tham gia các hoạt động trong tổ chức Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA).

- Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Danh mục, quy mô công suất và tiến độ các tổ máy điện hạt nhân (Nguồn: Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010)

STT

Nhà máy

Công suất

(MW)

Năm vận hành

1

Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 1

1000

2020

2

Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 2

1000

2021

3

Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 1

1000

2021

4

Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 2

1000

2022

5

Điện hạt nhân Phước Dinh  3

1000

2023

6

Điện hạt nhân Phước Dinh  4

1000

2024

7

Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 3

1000

2024

8

Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 4

1000

2025

9

Điện hạt nhân khu vực miền Trung 1 và 2

2 x 1000

2026

10

Điện hạt nhân khu vực miền Trung 3

1.300 - 1.500

2027

11

Điện hạt nhân khu vực miền Trung 4

1.300 - 1.500

2028

12

Điện hạt nhân khu vực miền Trung 5

1.300 - 1.500

2029

13

Điện hạt nhân khu vực miền Trung 6

1.300 - 1.500

2030

 

Tổng công suất

15.000 - 16.000