Chính sách tài chính giúp giảm thiểu và khắc phục rủi ro thiên tai

PV.

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách tài chính đã được ban hành kịp thời, góp phần hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Nguồn: internet
Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Nguồn: internet
Việt Nam chịu nhiều tổn thất từ thiên tai
Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, thiên tai ngày càng gia tăng và phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại về GDP bình quân hàng năm lên tới 20.000 tỷ đồng, tương đương 1-1,5% GDP.
Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Chỉ tính riêng năm 2017, tổn thất từ thiên tai tại Việt Nam rất lớn, khiến 386 người chết và mất tích; Thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế...
Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thủy văn. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng cần kịp thời có các cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Chính sách tài chính góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai
Thời gian qua, chính sách tài chính liên quan tới biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai được ban hành đã kịp thời như: Chính sách thuế và các khoản thu NSNN đối với các hoạt động gây biến đổi khí hậu và có nguy cơ gây ra các sự kiện thiên tai; Các chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với các công trình phòng chống thiên tai để ứng phó giảm nhẹ thiệt hại thiên tai; Chủ động hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ cũng như vận động các nguồn lực bên ngoài cho ứng phó với thiên tai...

Giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, hỗ trợ từ nguồn dự phòng NSTW cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh khoảng gần 12 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng nguồn dự phòng NSTW) cho các nhiệm vụ: đầu tư sửa chữa, nâng cấp các dự án, công trình đê kè chống sạt lở và các dự án quan trọng cấp bách nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, mưa đá, lốc xoáy, bão; Di dân khấn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; Xử lý sạt lở; Hỗ trợ người nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở...

Việc sử dụng kịp thời nguồn dự trữ quốc gia cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai cũng được quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuôc thú y, giống cây trồng... là trên 4.000 tỷ đồng.
Riêng năm 2017 - năm xảy ra nhiều thiên tai, bão lũ trên khắp cả nước, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành Tài chính đã xuất cấp kịp thời các mặt hàng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai: Đã xuất cấp 127.000 tấn gạo; 90 bộ xuồng các loại; 1780 nhà bạt; 201.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 61.000 chiếc áo phao cứu sinh; 1.005 chiếc phao bè cứu sinh; 118 bộ máy bơm chữa cháy; 48 máy phát điện; 32 bộ thiết bị khoan cắt...
Những chính sách tài chính nhằm phòng, chống, khắc phục rủi ro thiên tai được thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đã phần nào đáp ứng được việc hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai ở từ khâu phòng, chống thiên tai đến khâu khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.