Chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương

Việt Hoàng

Vượt qua khó khăn và thách thức trong hơn 3 quý của năm 2022, trên cơ sở tình hình thực tiễn, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, bài bản, đề ra các quyết sách phù hợp gắn với kiểm tra, đôn đốc đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Đặc biệt, các chính sách tài chính trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Số thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế khởi sắc 9 tháng đầu năm

Theo các chuyên gia kinh tế, qua hơn 9 tháng của năm 2022, tình hình kinh tế của nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả; Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp...

Đặc biệt, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% và tăng 18,8%; thu từ dầu thô đạt 60,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần và tăng 103,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% và tăng 22,1%.

Chi NSNN đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Cụ thể, tổng chi NSNN 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 9 tháng đầu năm 2022 đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% và tăng 4,6%; chi đầu tư phát triển đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% và tăng 15,8%; chi trả nợ lãi 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giảm 9,1%.

Phải nhấn mạnh rằng, các chính sách tài chính trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Nhờ đó, tại nhiều địa phương, ghi nhận đạt mức tăng trưởng khá cao, tạo đà để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2022 và năm 2023. Tính đến hết tháng 9/2022, cả nước có 10 địa phương có GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. Trong đó, phải kể đến TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội - hai đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hai địa phương chịu tác động khá nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng lại là hai địa phương vượt khó quyết liệt nhất, tăng trưởng tốt, phục hồi nhanh nhất.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối NSNN lũy kế 9 tháng năm 2022 của Thành phố ước thực hiện 349.902 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 222.039 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán, chiếm 63,5% tổng thu cân đối và tăng 26,3% so với cùng kỳ. Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 91,4% dự toán, chiếm 6,9% tổng thu và tăng 20,2%; thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt 87,6% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 20,6%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 87,6% dự toán, chiếm 14,7% tổng thu và tăng 12,6%...

"Từ kết quả đạt được, chúng tôi nhận ra rằng, ngoài các chính sách, thì sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã truyền cảm hứng cho toàn hệ thống và sự nỗ lực vượt khó của người dân chính là yếu tố quyết định. Vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân...", Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thông tin, tăng trưởng GRDP của Thủ đô trong quý III/2022 đạt 15,71%, cả 9 tháng đạt 9,69%. Thu ngân sách đạt trên 244.000 tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán pháp lệnh năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tổng thu ngân sách của TP. Hà Nội, số thu nội địa 223.300 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán và tăng 13,1% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô 2.200 tỷ đồng, đạt 203,6% và gấp 2,5 lần cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 18.500 tỷ đồng, đạt 84,5% và tăng 14%... Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội được trên 1 tỷ USD, trở thành một trong những địa phương thu hút mạnh nguồn vốn FDI trong 9 tháng qua.

Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, đạt được những kết quả đó là nhờ các ngành, đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp, các ngành đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý giá; chỉ đạo quản lý và điều hành NSNN bảo đảm thu ngân sách vượt tiến độ dự toán được giao; tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp... Nhờ đó, nhiều địa phương đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng bứt tốc để phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Phát huy những kết quả ấn tượng đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế - xã hội thời gian tới. Trong đó, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;  Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...

Tại các địa phương, trong các tháng còn lại của năm 2022, để hoàn thành số thu theo đúng mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành trên địa bàn, trong đó có ngành Thuế, Hải quan cần tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm thu đạt và vượt dự toán được giao. Đẩy mạnh hiện đại công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, bảo đảm công bằng, bình đẳng nghĩa vụ của người nộp thuế; tích cực đôn đốc các khoản thuế phát sinh, rà soát các doanh nghiệp còn nợ đọng để có phương án thu, cưỡng chế thu theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng, đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế và những chính sách tháo gỡ khó khăn về thuế của Chính phủ, của địa phương. Tiếp tục triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ các chính sách hỗ trợ cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, những vướng mắc thực hiện các cơ chế, chính sách để báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn; Đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển để tạo nguồn thu NSNN lâu dài...