Chính sách tài chính hướng đến mô hình tăng trưởng xanh
Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô, làm cho môi trường có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, vấn đề đặt ra là cần triển khai hiệu quả các chính sách tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC về kế hoạch hành động ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với việc xác định rõ định hướng điều chỉnh chung.
Theo đó, việc điều chỉnh chính sách tài chính hướng đến tăng trưởng xanh diễn ra theo xu hướng như: Nâng cao nhận thức, huy động tối đa nguồn lực hệ thống tài chính cho mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh, bền vững; Củng cố nguồn thu, thay đổi cấu trúc ngân sách nhà nước (NSNN), cơ cấu kinh tế, mô hình kinh doanh theo hướng xanh hóa, bền vững; Giảm thiểu triệt để các tác nhân gây hại môi trường thông qua việc mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, điều chỉnh mức điều tiết thuế, phí bảo vệ môi trường; Khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông qua công cụ thuế, chi NSNN cho Chương trình mục tiêu quốc gia; Khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh thông qua việc mở rộng các ưu đãi về thuế, tín dụng...
Ngoài việc hạn chế, ngăn ngừa các tác nhân gây hại môi trường, chính sách tài chính còn hướng đến khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh thông qua các công cụ thuế, chi NSNN, tín dụng, chính sách thúc đẩy thị trường vốn xanh. Cụ thể:
Đối với chính sách thuế: Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất - nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.
Đối với chi NSNN: Chi NSNN ngày càng ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường với các nội dung trọng tâm là: Chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, với mức kinh phí không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN trong dự toán ngân sách nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo dự án, thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường...; Các chương trình môi trường quốc gia như Chương trình 327 trông lại rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc hay Chương trình 5 triệu ha rừng, chi NSNN cho giảm nghèo, nước sạch và hợp vệ sinh.
Đối với chính sách tín dụng: Trong kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng.
Từ năm 2015, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong Chỉ thị số 03/2015/CT-NHNN và Chỉ thị số 01/2017/CT-NHNN, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng phải chú trọng đến những dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững.
Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế nước ta còn dựa chủ yếu vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và những diễn biến về thay đổi khí hậu toàn cầu đang tăng nhanh, gây nhiều thiệt hại về người và của và đang gây những áp lực cho phát triển bền vững đất nước.
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nguy cơ không bảo đảm về an ninh năng lượng và nguy cơ thiếu hụt năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước đang hiện hữu. Nhằm tái cấu trúc và từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng xanh hóa, nhiều chính sách của Chính phủ đã được thiết kế và ban hành, trong đó phải kể đến chính sách tài chính hướng đến tăng trưởng xanh.