Đầu tư nước ngoài với tăng trưởng xanh
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn mới đòi hỏi phải thay đổi định hướng, chính sách để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái để đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất của quá trình phát triển.
Tăng trưởng xanh - chiến lược quốc gia
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với ba mục tiêu: Thứ nhất, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thứ ba, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) về “FDI low carbon” (FDI ít các bon) đã khuyến cáo chính phủ các nước về nguy cơ nhiệt độ Trái Đất đang nóng lên, đe dọa môi trường sống của nhân loại, do vậy cần ưu tiên thu hút dự án FDI ít phát thải khí nhà kính.
Nhiều doanh nghiệp FDI tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh (green technology) từ các nước công nghiệp cho Việt Nam, có trách nhiệm xã hội cao trong việc bảo vệ và tuân thủ luật pháp liên quan đến môi trường, đem lại nhận thức về nền kinh tế xanh cho nhân viên trong quá trình hoạt động.
Theo Financial Times (Thời báo Tài chính) tháng 7/2015, với 8,14 điểm, Việt Nam dẫn đầu các thị trường mới nổi khác về thu hút vốn FDI trong lĩnh vực tăng trưởng xanh; các vị trí tiếp sau thuộc về Romania, Hungary, Malaysia và Thái Lan. Tuy vậy, hệ số tiêu hao năng lượng tính trên 1% tốc độ tăng trưởng, mặc dù đã giảm từ 2,1 trong những năm đầu thiên niên kỷ mới xuống khoảng 1,3 hiện nay. Con số đó vẫn còn cao hơn nhiều so với yêu cầu của nền kinh tế xanh do có quá nhiều dự án FDI xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu, điện than làm gia tăng nhanh chóng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; trong khi đó, FDI vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió vẫn còn khá khiêm tốn, mặc dù nước ta được đánh giá là có nhiều tiềm năng.
Tuy chưa đến mức báo động đỏ về khí thải và môi trường như Trung Quốc nhưng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng cảnh báo tình trạng đáng lo ngại của Việt Nam khi khói bụi ở một số thành phố lớn đã vượt xa mức tiêu chuẩn, nhiều dòng sông và ao hồ đã ô nhiễm đến mức không thể sử dụng nước sạch cho con người và nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh mới có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ở khắp các vùng miền của đất nước...
Hiểm họa từ sản xuất xi măng, sắt thép
Sản xuất xi măng ở nước ta được phát triển rất nhanh. Từ một vài triệu tấn vào năm 1991, đến năm 2016, nước ta có công suất hơn 80 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ chỉ khoảng 75 triệu tấn/năm, đến năm 2020 ước tính hơn 100 triệu tấn/năm. Thị phần xi măng được chia cho ba loại doanh nghiệp: 36% thuộc kinh tế Nhà nước, 31% thuộc khu vực FDI và 33% thuộc doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam đã vượt xa Thái Lan và Indonesia, đứng đầu ASEAN về sản xuất xi măng, vì từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997, các nước đó đã ngừng xây dựng nhà máy mới.
Những công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, để sản xuất một tấn xi măng tiêu hao 100kWh điện. Quá trình nung nguyên liệu với nhiệt độ cao sử dụng than đá là chủ yếu, nhiệt độ của khí thải ở mức khá cao 250-370 độ tùy thuộc từng công đoạn, nhưng đó là lượng nhiệt không được tận dụng và trở nên vô ích, có 770kg CO2 đổ vào không khí. Do đó, tất cả nhà máy xi măng đang hoạt động trên thế giới đã thải ra khoảng 5% khí thải các bon toàn cầu, gấp đôi lượng khí thải từ động cơ phản lực của toàn bộ ngành hàng không dân dụng. Vì thế, sản xuất xi măng trở thành thủ phạm lớn nhất gây ra hiệu ứng nhà kính.
Sản xuất sắt thép cũng đang có những quan điểm trái chiều nhau. Hiện Bộ Công Thương dựa trên cân đối cung cầu và nhập siêu mỗi năm 6-7 tỷ USD sản phẩm thép để đưa vào quy hoạch phát triển thêm một số dự án lớn như: 4 tỷ USD của Tập đoàn Hòa Phát và 12 tỷ USD của Tập đoàn Tôn Hoa Sen; trong khi nhiều chuyên gia kinh tế và công nghệ đã cảnh báo về việc là nước công nghiệp hóa sau nhưng Việt Nam đang đi theo “vết xe đổ” của một số nước đã phát triển, đang hứng chịu thảm họa môi trường do các dự án gang thép gây ra.
Công nghiệp luyện gang thép thải ra một lượng lớn khí thải. Hơi và sản phẩm phụ từ quá trình luyện cốc, nung kết và làm sạch kim loại gây ô nhiễm nặng môi trường không khí. Các loại khí sinh ra từ quá trình này là oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx), oxit các bon (CO2) và các hạt lơ lửng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hồ sơ Fact Sheet về Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc (5/9/2016) của Chính phủ Mỹ cho rằng, tình trạng dư thừa công suất và sản lượng (overcapacity) của ngành sản xuất thép đã trở thành “một vấn đề toàn cầu”, đòi hỏi “một giải pháp toàn cầu” chứ không còn là chuyện của một quốc gia và đó là lý do thép được đưa lên thành chủ đề thảo luận trong các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương của các nhà lãnh đạo G20 tại Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu diễn ra dưới bầu trời trong xanh-một điều hiếm thấy tại Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của Công ty Tư vấn Mysteel xác nhận, một nửa trong số 32 nhà máy thép gần thành phố này đã đóng cửa từ hai tháng trước hội nghị để làm sạch bầu không khí của Hàng Châu. Dưới sức ép của các đối tác thương mại, Trung Quốc cam kết giảm sản lượng 45 triệu tấn trong năm 2016 và từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 150 triệu tấn, song song với việc giảm xuất khẩu thép.
Do đó, xu thế xuất khẩu nhà máy thép của Trung Quốc có khả năng sẽ mạnh lên. Và Việt Nam được coi là điểm đến lý tưởng để Trung Quốc loại bỏ những nhà máy cũ, công nghệ lạc hậu, giảm ô nhiễm không khí, lại né tránh được các rào cản thuế quan, các biện pháp bảo hộ thị trường của những nước nhập khẩu thép. Đây là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam trong việc quyết định thực hiện một số dự án sắt thép mới bằng liên kết nhiều phương thức với nước ngoài, sử dụng vốn và công nghệ của Trung Quốc.
Để FDI hướng vào kinh tế xanh
Để FDI hướng vào kinh tế xanh, Chính phủ cần kiên quyết không cho phép các tỉnh, thành phố tiếp nhận các dự án FDI mới vào những ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, gây hiệu ứng nhà kính, không thân thiện với môi trường như: Xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu; hạn chế thu hút FDI vào điện than, dệt nhuộm với yêu cầu khắt khe về công nghệ, bắt buộc đầu tư tới hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, thành lập các khu chuyên biệt về dệt nhuộm và may mặc để vừa tạo ra chuỗi cung ứng dệt-nhuộm-may mặc có hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm yêu cầu về môi trường và khí thải.
Chính phủ đã ban hành chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo với giá mua điện mặt trời 9,35 cent/kWh, điện gió 8,5 cent/kWh trong đất liền và 9,8 cent/kWh ven biển. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có lãi và chính sách đang thu hút được khá nhiều dự án trong nước và FDI.
Trong điều kiện Đảng và Nhà nước đã có quyết định đúng đắn, kịp thời dừng triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000MW; nguồn thủy điện không còn nhiều, đã phải nhập hàng chục triệu tấn than cho nhà máy điện than, để nhanh chóng triển khai các dự án điện sạch thì cùng với chính sách giá điện, cần: Một là, lập và phê chuẩn nhanh chóng quy hoạch phát triển năng lượng để các địa phương có điều kiện thu hút và triển khai dự án; hai là, tạo thuận lợi trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ theo nhu cầu hợp lệ của nhà đầu tư; ba là, xóa bỏ càng nhanh càng tốt trạng thái độc quyền của EVN, áp dụng đồng bộ cơ chế thị trường trong sản xuất và mua bán điện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và người tiêu dùng; bốn là, ngoài chính sách ưu đãi về thuế, đất đai thì cần nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi tài chính, trợ cấp cho một số dự án lớn trong những năm đầu bằng ngân sách Nhà nước.
Đối với các dự án FDI trong các ngành và lĩnh vực vẫn tiếp tục được khuyến khích thì cần quan tâm đến công nghệ tiên tiến, tiết giảm năng lượng, thân thiện với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng nhà máy, công trình kiến trúc để góp phần tạo ra nền kinh tế xanh.
Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh; định ra một thời hạn để các doanh nghiệp thực hiện.
Đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra cuộc sống tốt hơn và bền vững hơn cho con người. Nếu cuối cùng đầu tư không làm tăng no ấm và hạnh phúc cho mọi người theo hướng kinh tế xanh thì không nên tiến hành đầu tư và càng không nên theo đuổi đầu tư.