Chính sách tài chính mới có hiệu lực từ tháng 9/2014
(Tài chính) Chính thức giảm hơn 200 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp (DN); Ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho hai hãng bảo hiểm; Chỉ công dân Việt Nam mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ; EVN sẽ được quy định mức phạt khi cắt điện… là một số chính sách tài chính mới có hiệu lực từ tháng 9.
Nhiều quy định bắt buộc về khai, tính thuế giá trị gia tăng, thủ tục hoàn thuế, lập hóa đơn sẽ được xóa bỏ hoặc sửa đổi từ 1/9/2014 có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 200 giờ nộp thuế mỗi năm.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đây để cải cách, đơn giản các TTHC về thuế. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã có Công văn 3609/TCT-CS để hướng dẫn các điểm mới của Thông tư này.
Theo đó, bỏ mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc, thiết bị… đầu tư, mua sắm của doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Đối với DN mới thành lập đạt mức doanh thu dưới 01 tỷ đồng trong năm đầu nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được đăng ký tự nguyện tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ.
Thông tư 119/2014/TT-BTC cũng thay thế các hướng dẫn, mẫu biểu tại các Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và78/2014/TT-BTC. Các nội dung trên có hiệu lực từ ngày 1/9/2014.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho công tác thực hiện Thông tư 119, Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục thuế bằng Công văn 3619/TCT-CS bố trí công chức nắm vững nội dung Thông tư 119 để trả lời thắc mắc, vướng mắc của Doanh nghiệp qua số điện thoại công khai và đường dây nóng.
Hướng dẫn chi ngân sách cho người điều trị nghiện
Liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch 25/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn chi ngân sách hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Thương binh, người nghèo, người cao tuổi neo đơn, trẻ mồ côi... đang điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại cơ sở điều trị công lập được hỗ trợ tối thiểu 95% chi phí khám sức khỏe, thuốc điều trị.
Không chi hỗ trợ nếu: người bệnh không tuân theo quy trình điều trị; bị chấm dứt điều trị theo Nghị định 96/2012/NĐ-CP; hoặc được nguồn kinh phí khác cùng chi trả cho một nội dung chi.
Dự tính đến 2015, các nguồn tài trợ, viện trợ giảm đáng kể nên mức hỗ trợ cụ thể được quyết định chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước.
Thông tư liên tịch 25/2014/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực từ 1/9/2014.
Tăng định mức chi cho hoạt động xây dựng văn bản pháp luật
Thông tư liên tịch 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ban hành thay thế Thông tư 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP, quy định mới tăng nhiều định mức chi tối đa cho hoạt động xây dựng văn bản có hiệu lực thi hành từ 1/9/2014.
Cụ thể như về chi soạn thảo đề cương: Dự án luật, Pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế tăng từ 3 triệu đồng lên 4,5 triệu đồng/đề cương, sửa đổi, bổ sung tăng từ đa 2,5 triệu đồng đến đa 3,8 triệu đồng/đề cương.
Đối với Nghị quyết, Nghị định, Nghị quyết liên tịch tăng từ 2 triệu đồng lên 3 triệu đồng/đề cương, sửa đổi tăng từ 1,5 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/đề cương.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tăng từ 1,5 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/đề cương, sửa đổi bổ sung tăng từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/đề cương.
Về chi soạn thảo văn bản: đối với luật, Pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế tăng từ 8 triệu đồng lên 12 triệu đồng/dự thảo văn bản, sửa đổi bổ sung tăng từ 5 triệu đồng văn bản lên đến 7,5 triệu đồng/dự thảo văn bản
Đối với Nghị quyết, Nghị định, Nghị quyết liên tịch tăng từ 5 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/dự thảo văn bản, sửa đổi bổ sung tăng từ 3 triệu đồng lên 4,5 triệu đồng/dự thảo văn bản.
Thông tư liên tịch 92 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2014 và thay thế Thông tư liên tịch 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP.
Ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho hai hãng bảo hiểm
Ngày 1/9/2014, Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các hành vi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động đại lý bảo hiểm không được thực hiện 3 vấn đề sau: Thứ nhất, không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà mình đang làm đại lý.
Thứ hai, không được tác động để khách hàng mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, không được xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
Đây là văn bản pháp lý đầu tiên hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm nhân thọ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tư cách là đại lý bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Hướng dẫn tính trợ cấp một lần với chuyên gia giúp Lào và Campuchia
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia theo quyết định số 57/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối tượng có thời gian làm việc thực tế tại Lào và Campuchia từ đủ 12 tháng trở lên (kể cả cộng dồn) được hưởng trợ cấp một lần, cứ một năm (đủ 12 tháng) được trợ cấp là 3 triệu đồng, nhưng tối đa không quá 36 triệu đồng.
Khi tính thời gian hưởng trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn 1 năm, dưới 6 tháng được tính bằng nửa năm.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2014.
Cao tốc 6 làn đường sẽ có giá cao nhất gần 229 tỷ đồng/km
Liên Bộ Tài chính, Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư liên tịch 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT quy định Bảng giá tài sản hạ tầng đường bộ.
Việc quy định Bảng giá tài sản hạ tầng đường bộ làm cơ sở để xác định giá trị tài sản hạ tầng đường bộ mà Nhà nước đã giao cho từng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đường cao tốc 06 làn xe có giá từ 205,9 – 228,8 tỷ đồng/km; cao tốc 04 làn xe có giá 140,8 – 176 tỷ đồng/km.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ Bảng giá đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã; Bảng giá đường đô thị; Bảng giá cầu đường bộ dài từ 25m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; Bảng giá hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; Bảng giá bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; Bảng giá bến xe; Bảng giá bãi đỗ xe; Bảng giá trạm dừng nghỉ; Bảng giá trạm kiểm tra tải trọng xe…
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014.
Được ủy thác nhập khẩu hàng hóa thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
NHNN đã ban hành Thông tư 18/2014/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của NHNN Việt Nam.
Nếu như trước đây, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu (nhập khẩu) cho DN trực thuộc NHNN giống như tổ chức, thương nhân thông thường thì nay mẫu hồ sơ được áp dụng giống với đơn vị khác thuộc NHNN.
Các đối tượng được phép nhập khẩu có thể ủy thác cho đơn vị khác để nhập khẩu nếu hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Hiệu lực giấy phép nhập khẩu cũng kéo dài hơn, trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp, thay vì đến cuối tháng của tháng mà đơn vị dự kiến nhập khẩu theo quy định cũ. Tuy nhiên việc gia hạn giấy phép nhập khẩu không được nhắc đến trong thông tư này.
Ngoài ra, hồ sơ đề nghị này có thể gửi gián tiếp qua đường bưu điện, trước đây không quy định.
Thông tư này thay thế thông tư 04/2006/TT-NHNN và có hiệu lực từ ngày 15/9/2014.
Bổ sung hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BTC quy định bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước như sau:
Bổ sung 04 tiểu mục trong nhóm thu từ tài sản, đóng góp xã hội và thu khác (0200), gồm tiểu mục 3854: Tiền cho thuê và tiền chậm nộp tiền thuê cơ sở hạ tầng bến cảng, cầu cảng; Tiểu mục 4272: Tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý; Tiểu mục 4273: Tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính do cơ quan hải quan quản lý; và Tiểu mục 4913: Thu từ các quỹ của doanh nghiệp theo quy định.
Đồng thời bổ sung 02 mã số Chương trình, mục tiêu: Chương trình, mục tiêu 0920: Hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ; Mã số dự án 0921: Hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.
Thông tư này có hiệu lực từ 20/9/2014, riêng việc bổ sung mã số dự án thì áp dụng từ năm ngân sách 2015.
120 triệu đồng/lần thẩm định hồ sơ xác nhận thực vật biến đổi gen
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 106/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, mức thu phí là 120 triệu đồng/01 lần thẩm định. Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.
Cơ quan thu phí được để lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho công tác thẩm định và thu phí. Số tiền phí thu được còn lại 10%, cơ quan thu phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2014.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng 50% mức thù lao cho cán bộ cấp xã
Từ 25/9/2014, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) được tăng mức trả thù lao cho cán bộ cấp xã của mình thêm 50% (mức cũ: 80 nghìn đồng/xã/tháng, mức mới: tối đa 120 nghìn đồng/xã/tháng).
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 102/2014/TT-BTC, ngoài ra Thông tư còn có những điểm mới sau: Mức chi công cụ, dụng cụ lao động không vượt quá 2% tổng phí quản lý của NHCSXH (quy định cũ: với mức bình quân không quá 4,4 triệu đồng/người/năm).
NHCSXH được phép chủ động chi cho hoạt động chung về công vụ trong tổng mức chi quản lý hàng năm đã được giao (quy định cũ: bình quân tối đa không quá 21 triệu đồng/người/năm).
Thông tư này bãi bỏ quy định về sử dụng Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại Thông tư 24/2005/TT-BTC.
Đào tạo, bồi dường nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa.
Trong đó, thời lượng của khóa đào tạo khởi sự DN và khóa đào tạo quản trị DN lần lượt là 03 ngày và 05 ngày; số học viên tối thiểu mỗi khóa là 30 người; đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, tùy theo nội dung đào tạo, đơn vị đào tạo có thể quyết định thời lượng đào tạo phù hợp nhưng phải đảm bảo tối thiểu 07 ngày và số học viên tối thiểu mỗi khóa là 20 người.
Thông tư cũng khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí tổ chức khóa đào tạo, bao gồm: Chi thù lao giảng viên, chi phụ cấp tiền ăn giảng viên; chi tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên; chi khen thưởng cho học viên; văn phòng phẩm; chi uống nước, giải khát giữa giờ; chi phí cấp chứng chỉ, chi phí chiêu sinh và các nội dung chi khác phục vụ trực tiếp lớp học... với mức hỗ trợ cho 01 khóa đào tạo tối đa 50% tổng chi phí của 01 khóa đào tạo. Phần kinh phí còn lại được chi trả từ các nguồn kinh phí tài trợ, huy động được từ DN, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và học phí do học viên đóng góp.
Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/03/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/09/2014./.