Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nào hỗ trợ phục hồi và phát triển?
Sáng ngày 5/12, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các chuyên gia đã góp ý về xây dựng và ban hành các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, kịp xu thế phục hồi, phát triển của thế giới.
Chính sách phục hồi và phát triển nền kinh tế: Nhìn từ các nước trên thế giới
Tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trình bày tham luận về một số gợi mở chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo TS. Cấn Văn Lực, trước tác động của đại dịch COVID-19 trong nhiều năm tới, nền kinh tế còn phải đối diện rất nhiều rủi ro và thách thức.
Đối với Việt Nam, dịch COVID-19 tác động nặng nề. Tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%. Năm 2021, dự báo tăng 2% và có vẻ đang lỡ nhịp. Việt Nam đang phục hồi có vẻ theo hình “chữ U” trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa triển vọng năm 2022 sẽ chỉ tăng tưởng trưởng trong khoảng 4 - 4,5%.
Từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ 2 bài học rất quan trọng. Cụ thể, khoảng 98% các nước coi dịch bệnh là đặc hữu; thực hiện đa mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững trong tương lai. Về gói hỗ trợ, các nước dùng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Tính đến hết tháng 10/2021, bình quân các gói hỗ trợ toàn cầu vào khoảng 16,4% GDP, trong đó gói tài khóa chiếm khoảng 61,7%, tương ứng 10,2% GDP toàn cầu.
Trong phần tham luận về kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, quy mô gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ông Nguyễn Minh Cường cho biết, hầu hết các chính phủ châu Á đã sử dụng chính tài khóa nghịch chu kỳ nhằm chống lại suy thoái kinh tế, an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển
Giải pháp nào cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19?
Liên qua đến giải pháp cấp bách phục hồi kinh tế, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn đã tác động nhiều mặt đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải rất nhiều thách thức.
Hiện Việt Nam đang dần hồi phục lại nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: Tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp và mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn để phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, việc tiêm chủng, tăng cường năng lực của khối Y tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục các hoạt động kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời, đúng đối tượng có thể giúp giảm thiểu các tác động của đại dịch cũng như có công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ sự phát triển trong dài hạn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với chính sách tài khóa, Việt Nam cần phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; phải khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực.
Trước mắt, phải nâng cao năng lực y tế; tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cả về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động. Thời gian hỗ trợ trong hai năm 2022 - 2023.
Về điều kiện, tiêu chí hỗ trợ, đó phải là những doanh nghiệp, tổ chức có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng; còn thiếu một số điều kiện nhưng phải có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thể thay thế như giáo dục, y tế; thuộc những lĩnh vực, dự án mà Quốc hội, Chính phủ ưu tiên hướng đến thời gian tới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm “kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình” (vào cuối năm 2023). Đồng thời, chuyên gia này cũng đưa ra 2 kịch bản đánh giá tác động chính sách khi áp dụng các gói hỗ trợ nêu trên nếu được thông qua.
Kịch bản 1, đó là trong điều kiện “bình thường, khả năng xảy ra cao hơn”. Theo đó, ở kịch bản 1, nếu không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP năm 2021 vào khoảng 2%; năm 2022 là 4% và năm 2023 là 6%. Khi có chương trình hỗ trợ, mức tăng trưởng GDP lần lượt là 6% và 7,5% vào năm 2022 - 2023. Về tác động tới thâm hụt ngân sách, ở kịch bản 1, khi không có chương trình, thâm hụt ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 vào khoảng 4 - 4,5%, nhưng khi có chương trình tăng trưởng sẽ lần lượt vào khoảng 4% - 5,08% và 5,97%.
Kịch bản 2, là “tích cực, lạc quan; khả năng xảy ra thấp hơn”. Đối với kịch bản 2, khi không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2021 - 2023 lần lượt là 2,5%; 6% và 6,5%. Tuy nhiên, khi có chương trình, mức tăng trưởng này sẽ tăng lên 7,8% và 7,7% trong năm 2022 và 2023. Ở kịch bản 2, tác động tới thâm hụt ngân sách khi không có chương trình, tăng trưởng lần lượt là 4% - 3,8% và 3,5%; trong khi đó, nếu có chương trình, mức tăng này lần lượt là 2,5% - 5% và 5,86%.
Theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, trong ngắn hạn cần ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong những ngành lan tỏa, có khả năng phục hồi.
Còn về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.
Cùng với đó, đặc biệt lưu ý tới đầu tư công, xem đây tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, trong việc triển khai giải pháp về y tế và kinh tế, cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế, đặc biệt là khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới...