Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững
Chiều tối ngày 2/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững sẽ diễn ra ngày 5/12 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học uy tín.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 mở rộng về quy mô, nội dung, không chỉ về các vấn đề về kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Diễn đàn sẽ thảo luận về các mục tiêu lớn như: Tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường giám sát, thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn; các vấn đề kinh tế vĩ mô; tài chính, ngân sách; đầu tư công; lao động, việc làm…
Từ đó, góp phần đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2020-2030, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật. Phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ của đại biểu Quốc hội, chuyên gia và cử tri cả nước, hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.
Diễn đàn được tổ chức ngày 5/12, chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng là tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Thông qua các nội dung Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Qua đó, để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội; cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.
Cũng tại họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã giới thiệu Trang thông tin điện tử Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với Website chính thức của diễn đàn với tên miền www. diendankinhte.quochoi.vn.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trang thông tin điện tử Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được hình thành nhằm tuyên truyền hiệu quả về ý nghĩa, mục đích, chương trình, nội dung của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Website được thiết kế hiện đại, với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, là công cụ để Ban Tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021, mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức diễn đàn tiếp theo.
Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn đã làm rõ nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Chia sẻ với báo chí, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết, yêu cầu đầu tiên là quy mô của gói hỗ trợ phải đủ lớn. Nợ công của chúng ta hiện là 47%, trong khi quy định trần nợ công là 55%. Như vậy thì vẫn còn dư địa cho các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, cần phải có tính toán kỹ lưỡng. Quy mô theo tính toán khoảng từ 6-8% GDP, không đến mức 10% GDP như các nước khác trong khu vực. Đối với gói hỗ trợ chia làm 2 loại mục tiêu, mục tiêu ngắn hạn để giải quyết các vấn đề trước mắt; mục tiêu trung hạn và dài hạn hơn để bảo đảm khôi phục và tăng trưởng.
Về ngắn hạn, trọng tâm, trọng điểm là hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính như giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này đã rất "oải", nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp phá sản rất nhiều, kể cả các doanh nghiệp khỏe. Cứ mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường là con số rất đáng báo động. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đặt ra các gói hỗ trợ tiếp theo là rất cần thiết. Ngày 3/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ có cuộc họp thẩm tra 3 nội dung, trong đó có nội dung về chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thêm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, liều lượng hỗ trợ trong 2 năm tới nếu ở mức làm tăng thêm mỗi năm 1% bội chi GDP là phù hợp, bảo đảm an toàn về nợ công và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Yêu cầu của chính sách hỗ trợ là bảo đảm có tác động nhanh, lan tỏa, liên tục, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả cung - cầu và tập trung vào những ngành kinh tế sẽ tạo ra tác động trực tiếp, lan tỏa.
Trong 2 năm tới thì năm 2022 sẽ tập trung cho phục hồi, năm 2023 sẽ tập trung kích thích tăng trưởng. Nguồn bảo đảm sẽ được cân nhắc, bảo đảm tính khả thi và mức độ hấp thụ của nền kinh tế, nguồn vay thì phải cân nhắc khả năng trả nợ. Quốc hội cũng yêu cầu phải có chương trình quản lý rủi ro, tránh trục lợi chính sách, tránh phân tán, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ...