Chính sách thuế bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam

TS. TRẦN VIẾT HOÀNG - Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

(Taichinh) - Trước vấn đề ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế bền vững, bài viết đánh giá những chính sách của Chính phủ trong giải quyết bài toán ô nhiễm, dung hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân, gia tăng phúc lợi cho cộng đồng. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đề cập các chính sách mà Việt Nam đang áp dụng, trong đó có chính sách thuế cũng như khả năng vận dụng các biện pháp khác trong tương lai nhằm đối phó với ônhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm quốc tế

Trên thế giới, Chính phủ các nước đối phó với ô nhiễm môi trường theo 2 hướng như sau: Thứ nhất, Chính phủ không cần can thiệp và thứ hai, Chính phủ phải can thiệp bằng các chính sách khác nhau như: đánh thuế, trợ cấp hay ra các quy định.

Tại Việt Nam, vấn đề đối phó với ô nhiễm môi trường, như đánh thuế lại là vấn đề mới. Hiện nay, cũng rất ít các công trình nghiên cứu về tính khả thi của các chính sách áp dụng. Từ khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, kinh tế đất nước phát triển khi hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN đầu tư nước ngoài ngày càng nở rộ, đã góp phần thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, một thực tế là do quá chú trọng đến thu hút, đầu tư phát triển mà chúng ta chưa quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường và hậu quả của nó là rất nặng nề. Vậy, từ kinh nghiệm của quốc gia trên thế giới về vấn đề ô nhiễm môi trường trong phát triển kinh tế như thế nào, Việt Nam có thể áp dụng ra sao?

Hiện nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhiều chính sách can thiệp nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có bốn gói giải pháp cơ bản được áp dụng Một là đánh thuế. Loại thuế đánh lên ô nhiễm môi trường gọi là thuế Pigou do nhà kinh tế học Pigou đề xuất năm 1930. Thuế Pigou là loại thuế đánh lên người gây ô nhiễm với mức thuế đánh bằng với mức thiệt hại biên tại mức đầu ra hiệu quả xã hội.

Hai là trợ cấp. Khác với chính sách đánh thuế thì trợ cấp Pigou là trợ cấp cho người gây ô nhiễm với mức trợ cấp bằng với mức thiệt hại biên tại mức đầu ra hiệu quả xã hội. Việc trợ cấp cũng làm nhà sản xuất điều chỉnh về mức tối ưu làm gia tăng phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, các vấn đề lưu ý trong đánh thuế hay trợ cấp tối ưu là: phải xác định được mức thiệt hại biên mà nó gây ra cho xã hội và chính phủ sẽ đánh thuế hay trợ cấp bằng với mức thiệt hại biên này. Nếu đánh thuế (trợ cấp) cao hay thấp hơn sẽ không hiệu quả, do đó có thể dẫn đến không tăng được phúc lợi xã hội mà ngược lại còn làm giảm phúc lợi xã hội.

Ba là, khống chế mức ô nhiễm bằng hình thức bán hạn ngạch ô nhiễm. Mỗi năm, chính phủ sẽ công bố một hạn ngạch (quota) và bán đấu giá lượng thải ô nhiễm này trên thị trường. Ở các nước phát triển thì hạn ngạch này được bán và đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán và được giao dịch giống như các loại hàng hóa khác. Những đối tượng ô nhiễm nếu không trúng thầu, không tham gia mua lượng chất thải thì sẽ không được thải ô nhiễm buộc họ phải ngưng sản xuất, đóng cửa hay phải đầu tư công nghệ xử lý mà đôi khi chi phí rất tốn kém.

Bốn là ban hành các quy định hạn chế ô nhiễm. Các quy định hạn chế thường áp dụng là các tiêu chuẩn và rào cản về mặt kỷ thuật nhằm loại bỏ những đối tượng có khả năng gây ô nhiễm.

Thực trạng áp dụng các chính sách tại Việt Nam

- Về thuế môi trường: Hiện nay, Việt Nam đã có Luật thuế Bảo vệ môi trường, và theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011, với chỉ 8 đối tượng phải chịu thuế môi trường. Như vậy, việc đánh thuế ô nhiễm tại nước ta cũng còn một số hạn chế như: chưa bao phủ các đối tượng gây ô nhiễm, mức thuế áp đặt chưa được nghiên cứu theo hướng hiệu quả mà Pigou đề xuất trong khi vẫn còn tình trạng áp thuế theo áp lực ngân sách.

- Về trợ cấp cho người gây ô nhiễm: Việt Nam đang áp dụng nhiều chính sách trợ cấp nhằm làm giảm ô nhiễm nói riêng và giảm thiệt hại do tác nhân bên ngoài tiêu cực gây ra nói chung. Điển hình như trợ giá xe buýt, hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế cho các DN chuyển đổi sang sản xuất tại các khu công nghiệp tập trung. Nhìn chung các chính sách đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội.

- Về các quy định hạn chế ô nhiễm: Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều quy định trong hạn chế ô nhiễm nhưng nhiều quy định mang nặng tính hành chính, trong khi các quy định mang tính kỹ thuật chưa nhiều hoặc các chuẩn của nước ta còn thấp hơn so với các nước. Ngoài ra, các bộ ngành cũng chưa hỗ trợ trong nghiên cứu và triển khai các chính sách hạn chế ô nhiễm trong lĩnh vực chuyên ngành.

- Về bán hạn ngạch ô nhiễm: Với thị trường vốn và các nhà đầu tư chưa đa dạng hiện nay, nên việc bán hạn ngạch ô nhiễm tại nước ta cũng mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu chưa triển.

Gợi ý các chính sách áp dụng tại Việt Nam

Với thực tế môi trường hiện nay, đặc biệt là trước làn sóng đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, gây ra những lo ngại về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:

Về thuế bảo vệ môi trường: Hiện tại, các loại thuế bảo vệ môi trường chỉ tập trung đánh vào đối tượng là người tiêu dùng, trong khi còn nhiều đối tượng thải ô nhiễm là các DN sản xuất thì chưa được chú trọng.Theo đó, cần bổ sung quy định đánh thuế, hay thu phí ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí bên cạnh việc tăng cường thanh tra giám sát các DN như hiện nay. Việc áp thuế hay phí cũng cần nghiên cứu theo hướng đánh thuế hiệu quả, muốn vậy phải có chương trình nghiên cứu thực chứng đo lường thiệt hại.

- Về chính sách trợ cấp: Thực tế, các chính sách trợ cấp như trợ giá xe buýt mặc dù tạo ra được các mặt tích cực như giải quyết đi lại cho người dân (nhất là người có thu nhập thấp) nhưng còn những hạn chế và quản lý chưa hiệu quả. Do vậy, nên xem xét thay vì trợ cấp trực tiếp cho người dân nên chuyển sang trợ cấp gián tiếp như hỗ trợ các DN đầu tư nghiên cứu thay thế sử dụng các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm sang nguồn nhiên liệu/năng lượng sạch, các nguyên nhiên liệu sạch…

Về quy định hạn chế ô nhiễm: Chính phủ cần cân nhắc áp dụng các chuẩn về khói bụi, khí thải… theo chuẩn khu vực và quốc tế vì hiện nay chúng ta đã và đang hòa nhập vào kinh tế khu vực và quốc tế. Một số ô nhiễm hay ngoại tác tiêu cực cần tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân hơn là ra các quy định về mặt pháp luật nhưng ít tác dụng (như các vấn đề về cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm xả rác…).

Về bán hạn ngạch ô nhiễm: Hiện nay nước ta chưa triển khai trong khi đây là giải pháp hay mà các nước phát triển đang áp dụng. Việc bán hạn ngạch ô nhiễm áp dụng đối với các DN thải các chất thải độc hại vừa tạo nguồn thu ngân sách, vừa hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, vừa có kinh phí để tài trợ lại cho các đối tượng dân chúng bị thiệt hại. Do vậy, nên sớm ban hành khung pháp lý để thị trường vận hành chính sách này…