Chính sách thuế thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với các hợp tác xã, đặc biệt là đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp...Qua đó, giúp khu vực kinh tế này ngày càng phát triển bền vững.
Sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác (HTX), HTX trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã khẳng định phát triển HTX là một hình thức tổ chức kinh tế tất yếu trong điều kiện kinh tế thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội.
Để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với các HTX, đặc biệt là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp...Qua đó, giúp khu vực kinh tế này ngày càng phát triển bền vững.
Chính sách đối với hợp tác xã
Trong các chính sách hỗ trợ về thuế đối với khu vực kinh tế hợp tác, HTX thì có 2 chính sách thuế quan trọng nhất đó là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Hiện nay HTX được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, sản xuất muối. Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% (phổ thông là 20%) trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của HTX trên các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, hoạt động đánh bắt xa bờ.
Áp dụng thuế suất 17% trong 10 năm, miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo đối với phần thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn khó khăn.
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mở rộng của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế nếu đáp ứng tiêu chí của dự án đầu tư mở rộng theo quy định thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại hoặc được miễn, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại.
Đối với thuế GTGT, hiện nay chính sách thuế GTGT đối với các HTX được tập trung ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp cả trong trường hợp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nhất là đối với những sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến.
Cụ thể, sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại trừ gỗ và măng hưởng mức thuế suất ưu đãi 5% (thông thường là 10%). Bên cạnh đó, các hàng hóa dịch vụ đầu vào chủ yếu dùng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như: vật tư, phân bón, thức ăn gia cầm, tưới tiêu, kênh mương nội đồng… thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Tăng cường nguồn tài chính cho hợp tác xã
Những cải cách về chính sách thuế TNDN nói chung, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với HTX nói riêng ngày càng công khai minh bạch, phù hợp với thực tiễn và đến nay đã phát huy hiệu quả thiết thức, tạo động lực thúc đẩy gia tăng dòng vốn đầu tư vào các HTX trong các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế đối với HTX đã tạo bệ phóng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các HTX có thêm nguồn lực tài chính để đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ngoài ưu đãi về thuế thuế TNDN và thuế GTGT, các HTX còn được ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, lệ phí môn bài và lệ phí trước bạ. Thậm chí ở những vùng hay địa bàn khó khăn, ngoài việc được hưởng thuế TNDN thấp, các HTX còn được miễn, giảm 50% thuế TNDN; đối với các dịch vụ cung ứng thiết yếu đời sống của nông dân (là thành viên HTX) thì được miễn.
Có thể thấy, chính sách thuế đối với các HTX đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để HTX tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.