Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030
Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong 10 năm tới, ngày 12/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu được xác định rõ là thúc đẩy loại hình kinh tế này phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IX đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trong giai đoạn 2011-2020, sau khi Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác chỉ đạo phát triển, phong trào phát triển kinh tế tập thể, HTX. Nhờ đó, kinh tế tập thể, HTX đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX, mô hình này đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm.
Thực tế cho thấy, nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở; qua đó, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân. Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước thành lập mới 10.749 HTX, bình quân 2.150 HTX/năm (tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 7.632 HTX, chiếm tỷ lệ 71%; phi nông nghiệp là 3.117 HTX, chiếm tỷ lệ 29%; Thành lập mới 81 liên hiệp HTX; 15.849 tổ hợp tác, trong đó có 9.984 tổ hợp tác nông nghiệp, 5.865 tổ hợp tác phi nông nghiệp.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), phân theo các lĩnh vực hoạt động gồm: 16.953 HTX nông nghiệp, 1.188 Quỹ Tín dụng nhân dân, 2.079 HTX thương mại và dịch vụ, 1.496 HTX vận tải, 2.474 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 1.026 HTX xây dựng, 521 HTX môi trường, 303 HTX khác…
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Số lượng HTX, liên hiệp HTX có quy mô vừa và lớn ngày càng tăng; đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 HTX, liên hiệp HTX có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015). Điều này cho thấy, số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng; liên kết sản xuất giữa các HTX với tổ hợp tác và với DN ngày càng mở rộng và phát triển.
Một số hạn chế, bất cập
Nhìn lại những kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, theo đánh giá của Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là:
- Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính của các HTX còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
- Phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Một số HTX chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị.
- Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững… Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, HTX với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
- Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa được như kỳ vọng.
- Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển trong giai đoạn tới
Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, HTX phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngày 12/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chính phủ xác định, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.
Bên cạnh đó, Chiến lược này cũng đề ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, thời gian tới cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển. Có chính sách khuyến khích phát triển mô hình HTX tại các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Hai là, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường. Các địa phương xem xét bố trí cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương, để tạo điều kiện hỗ trợ HTX vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Ba là, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; vận động HTX thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ những rào cản vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX.
Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia kinh tế tập thể, HTX.
Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên. Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường...
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động. Phối hợp liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và đào tạo nghề cho thành viên phù hợp với tình hình mới.
Năm là, đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, để học tập kinh nghiệm quản lý, mô hình phát triển HTX bền vững của các nước; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Liên minh HTX quốc tế, các tổ chức HTX các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ HTX các nước để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường...
Sáu là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Để làm tốt nội dung này cần tiếp tục vận động, tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong bối cảnh mới; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã 23/2012/QH13;
- Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/03/2021 phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021-2030;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2020), Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2020;
- Phương Nghi (2020), Phát huy vai trò nền tảng kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản;
- Tùng Linh (2020), Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thập kỷ mới, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Nhật Bắc (2020), Phát triển kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị sản phẩm, Báo điện tử Chính phủ.