Chính sách tiền tệ: 5 năm nhìn lại

Theo chinhphu.vn

Những chính sách tiền tệ được xây dựng và điều hành trong 5 năm qua (2011-2015), cùng với chính sách tài khóa và kinh tế khác, đã giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chính sách chủ động, nền kinh tế được “gỡ khó”

Bước sang năm 2011, diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, thị trường vàng và ngoại tệ biến động phức tạp, thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng, nổi bật là rủi ro tín dụng, rủi ro tỉ giá và rủi ro lãi suất. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản do nợ xấu tăng cao, gây mất an toàn hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD. NHNN đã sử dụng kết hợp hài hòa các công cụ chính sách tiền tệ nhằm khuyến khích dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, từng bước chuyển từ cơ chế điều tiết theo khối lượng sang điều hành theo lãi suất. Cụ thể, NHNN đã thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất và triển khai đồng bộ các biện pháp để đạt mục tiêu là giảm dần mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân; tiến hành điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất điều hành, kết hợp với áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo diễn biến thị trường.

Cùng với nỗ lực giảm lãi suất huy động, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Về điều hành thị trường tiền tệ, các nhóm giải pháp tín dụng được tập trung thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của các TCTD. Theo đó, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, có điều chỉnh linh hoạt, thực hiện các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, tổ chức nhiều đoàn công tác, phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn ngân hàng giữa các doanh nghiệp và TCTD trên địa bàn.

NHNN đã chỉ đạo toàn ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khơi thông dòng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và một số chương trình kinh tế trọng điểm, phù hợp với tính đặc thù về ngành nghề và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu. Đây là những mắt xích kinh tế quan trọng, từng bước tạo ra sự phát triển đồng bộ và cân đối trong nền kinh tế quốc dân.

Giảm mặt bằng lãi suất, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên

Trong những tháng cuối năm 2011, tình hình thanh khoản của một số TCTD bị thiếu hụt lớn và nằm trong tình trạng báo động, thị trường tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, lãi suất cho vay ở mức cao lên đến 20-25%/năm.

Để bảo đảm trật tự, kỷ cương thị trường tiền tệ, ngày 7/9/2011, NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN yêu cầu các TCTD ấn định lãi suất huy động bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không được vượt quá 14%/năm và đưa ra các chế tài xử lý đối với cá nhân là người quản lý, điều hành của TCTD và TCTD vi phạm quy định về lãi suất.

Từ năm 2012, khi lạm phát đã được kiểm soát và giảm dần, để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, kết hợp với điều hành cung ứng tiền để điều tiết thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất; tiến hành dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng vào tháng 6/2012 và lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng từ tháng 6/2013.

Đồng thời, từ tháng 5/2012, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 4 lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; đến tháng 12/2012, bổ sung thêm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mức trần lãi suất huy động và cho vay cũng được điều chỉnh giảm phù hợp với điều kiện vĩ mô, mục tiêu chính sách tiền tệ.

Trên cơ sở bám sát tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất chính sách để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, đã giảm 9 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 8,5%/năm (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 6,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 16%/năm xuống 7,5%/năm).

Bên cạnh đó, quy định trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên thấp hơn khoảng 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường và điều chỉnh giảm từ mức 15% xuống còn 7%/năm; quy định và điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng VND từ mức 14%/năm xuống còn 5,5%/năm; kêu gọi các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm vào tháng 7/2012 và tối đa 13%/năm vào tháng 7/2013, các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 10%/năm; thực hiện miễn, giảm lãi vốn vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.

Đối với ngoại tệ, NHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân lần lượt xuống còn 0%/năm và 0,25%/năm.

Với mức độ và tần suất điều chỉnh giảm lãi suất như trên, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm đáng kể, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm nhanh, tỉ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã được cải thiện đáng kể.

Nhờ giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động, đồng thời với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng yếu kém, tình trạng một số TCTD phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng đã được khắc phục.

Bình yên trở lại

Có thể nói, trong 5 năm qua, nhờ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngân hàng, các yếu tố chính trên thị trường này như mặt bằng lãi suất và tín dụng đã thay đổi tích cực.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 (là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định).

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục ổn định ở mức thấp (6-7%/năm đối với kỳ hạn ngắn), các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay đối với một số chương trình kinh tế trọng điểm giảm khoảng 0,5-0,6%/năm xuống khoảng 6,5-6,6%/năm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho một số ngành, lĩnh vực đặc thù và các đối tượng chính sách. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.

Với việc triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ và quyết liệt của NHNN, hoạt động tín dụng đã có xu hướng cải thiện dần theo mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2011-2015, hiệu quả tín dụng tăng cao nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, hệ thống ngân hàng được bảo đảm an toàn và phát triển bền vững. Nhờ đó, thanh khoản của TCTD được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng được đẩy lùi. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.