Chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Theo tapchinganhang.com.vn

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày nay. Trải qua chặng đường 70 năm, ngành Ngân hàng đã có những bước chuyển mình vượt bậc, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau quá trình không ngừng hoàn thiện về mô hình, tổ chức, ngày 12/9/1992, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký Quyết định số 183/QĐ-NH9 ban hành Quy chế tổ chức của các Vụ, đơn vị thuộc bộ máy NHNN, trong đó có Vụ Tín dụng.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và ngành Ngân hàng, đến năm 2014, Vụ Tín dụng đổi tên thành Vụ Tín dụng các ngành kinh tế với chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng ngân hàng đối với các ngành kinh tế - đây được coi là dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới cho hoạt động của Vụ góp phần vào sự nghiệp chung của cả ngành. 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sau khi chuyển đổi tập trung vào nhiệm vụ có tính chất chuyên sâu về ngành kinh tế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã phát huy vai trò và gặt hái được một số kết quả bước đầu, với dấu ấn nổi bật nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế luôn là một trong các đơn vị quan trọng thuộc khối chính sách tham mưu, giúp Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành, định hướng, đưa ra các giải pháp về tín dụng ngành, lĩnh vực kinh tế; một mặt, giúp thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chung của Ngành. Mặt khác, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện mọi mặt đời sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng tín dụng phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực theo định hướng. 

Các cơ chế, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực không ngừng được hoàn thiện đã góp phần đưa chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Hệ thống chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực luôn đồng bộ và phù hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển khác của Nhà nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mở rộng tín dụng phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà còn hướng tới tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội.

Quan trọng có thể kể đến như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình tín dụng hỗ trợ đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam; chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách đối với một số dự án trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông trọng điểm, đầu tư lớn cho các ngành kinh tế làm thay đổi bộ mặt kinh tế quốc gia...; chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở dành cho người thu nhập thấp; chính sách tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; các chương trình tín dụng chính sách dành cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chính sách bảo lãnh ngân hàng, đầu tư ra nước ngoài...

Công tác chỉ đạo điều hành kịp thời, bám sát vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội đề ra, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và căn cứ mức tăng trưởng tín dụng năm trước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã tham mưu Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường quản lý rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách; quan tâm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. 

Quan tâm, chú trọng công tác xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, theo đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã tham mưu Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh công tác kết nối, trao đổi giữa ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; xử lý các khó khăn tài chính của các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng luôn làm tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong công tác xử lý nợ góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế của Chính phủ.

Kết quả tín dụng ngành, lĩnh vực đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng. Cụ thể:

Thứ nhất, kết quả hoạt động tín dụng ngân hàng 05 năm qua đã đóng góp quan trọng vào ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư nợ tín dụng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực, bình quân giai đoạn tăng 15,25%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016 - 2019 có xu hướng giảm dần, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần và cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy nguồn vốn tín dụng được tăng cường sử dụng hiệu quả và phân bổ phù hợp. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tín dụng vẫn có mức tăng trưởng khá tốt (12,17%), đóng góp vào mức tăng chung 2,91% của GDP - là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. (Hình 1)

 Chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước  - Ảnh 1

Thứ hai, cơ cấu tín dụng các ngành kinh tế có xu hướng chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục có xu hướng tăng, chiếm từ 57% - 63% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ trọng tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản và tín dụng ngành công nghiệp, xây dựng có xu hướng giảm lần lượt chiếm khoảng 8 - 10% và 28 - 30% tổng dư nợ. 

Xét về tốc độ tăng trưởng, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng ổn định và cao nhất với mức tăng trưởng bình quân đạt 17,43%; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng bình quân tăng 12,41%; dư nợ tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân tăng 11,02%. (Hình 2)

 Chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước  - Ảnh 2

Thứ ba, tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, các lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng khá và bình quân giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế gồm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, cụ thể: 

(i) Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 18,17%, chiếm tỷ trọng 24,77% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; (ii) Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16,07%, chiếm 19,79% tổng dư nợ tín dụng chung; (iii) Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,31%, chiếm 2,47% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hai lĩnh vực ưu tiên còn lại là tín dụng xuất khẩu tăng 8,38%, chiếm 2,96% tổng dư nợ tín dụng chung và tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,13%, chiếm 0,35% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. (Hình 3)

 Chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước  - Ảnh 3

Thứ tư, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường quản lý rủi ro tiếp tục được kiểm soát phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo an toàn cho cả hệ thống và định hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tín dụng đối với các lĩnh vực này đang có xu hướng giảm dần qua các năm, cụ thể: (i) Tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông đang có xu hướng giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông đạt 10,18%, chiếm tỷ trọng 1,18% tổng dư nợ nền kinh tế; (ii) Tốc độ tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống có xu hướng giảm dần, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, dư nợ lĩnh vực này là 28,66%, chiếm tỷ trọng 20,08% tổng dư nợ nền kinh tế; (iii) Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có xu hướng giảm dần, bình quân giai đoạn 2018 - 2020 là 20,64%, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện1; trong đó, dư nợ tín dụng về nhà ở luôn chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản; (iv) Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán bình quân giai đoạn 2018  -  2020 là 23,86%, chiếm tỷ trọng khá nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế. 

Thứ năm, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng (chiếm trên 50% tổng nguồn lực) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng với nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sớm 18 tháng so với mục tiêu). Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 10 triệu lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 320.988 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thứ sáu, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng đối với doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với trên 300 nghìn khách hàng doanh nghiệp được vay vốn đã góp phần tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ, NHNN về tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, cho vay mới..., thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và tạo đà tăng trưởng trong và sau dịch. Tính đến cuối năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 28/12/2020 đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng. Sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của ngành Ngân hàng đã được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, nhiều khách hàng đã dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, kết quả hoạt động tín dụng ngân hàng 5 năm qua đã đóng góp quan trọng vào ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng hành cùng sự phát triển đất nước. Quy mô hoạt động, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP theo mục tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Cơ cấu tín dụng có xu hướng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tầm kiểm soát về cả quy mô và chất lượng tín dụng theo đúng định hướng, chỉ đạo của NHNN; tín dụng người nghèo và các đối tượng chính sách được mở rộng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò và vị trí của Vụ Tín dụng CNKT trong việc tham mưu Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đối với ngành, lĩnh vực; đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh, phát triển, thành công chung của ngành Ngân hàng suốt những năm vừa qua và cũng là hướng đi, định hướng đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo.