Vai trò của tín dụng vi mô trong kinh tế - xã hội

Công Dũ

Tín dụng vi mô được xem là một hoạt động của tài chính vi mô, đối tượng cho vay của tín dụng vi mô là người nghèo và những người có thu nhập thấp do không có đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số ưu điểm của tín dụng vi mô

Tín dụng vi mô (TDVM) cung cấp tín dụng vi mô và các sản phẩm tài chính cho người nghèo nên hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội là rất thiết thực. Qua đó cho thấy, quy mô hoạt động TDVM ngày càng lớn mạnh và đa dạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới… TDVM góp phần xoá dần đi quan điểm cho rằng việc giải quyết vấn đề đói nghèo chỉ là trách nhiệm của các Chính phủ.

TDVM đã hình thành mạng lưới tài chính thay thế cho người nghèo. Tức là mạng lưới dịch vụ tài chính không chỉ phụ thược khu vực chính thức, sự xuất hiện khu vực TCVM bán chính thức đã làm thay đổi bối cảnh về dịch vụ tài chính.

Hơn nữa, khu vực tài chính bán chính thức thường hướng hoạt động đến các địa phương kém phát triển như thiếu đất canh tác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế thấp… do vậy các sản phẩm tài chính được cung cấp đến tay người nghèo, phụ nữ khó khăn.

TDVM cũng đã làm thay đổi quan điểm trong hoạt động kinh doanh tài chính. Hầu hết các nhà kinh doanh tài chính cho rằng tín dụng cho người nghèo là hoạt động bố thí, không sinh lời.Thực tiễn hoạt động TDVM nhiều năm qua ở các quốc gia trên thế giới cho thấy TDVM không chỉ có tác động tích cực cho nền kinh tế - xã hội mà còn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các tổ chức này.

TDVM đã góp phần thay đổi định kiến về người nghèo, thay đổi cách nhìn về người nghèo. Nhờ có hoạt động TDVM, người nghèo đã được quan tâm hơn, họ đã được hỗ trợ tài chính để cải thiện hoạt động kinh tế. Đại bộ phận người nghèo vay vốn từ hoạt động TDVM đã thoát nghèo và cải thiện được những định kiến khắc khe đối với họ.

Vai trò của tín dụng vi mô

Đối với nền kinh tế - xã hội

TDVM góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo của các quốc gia. Ngoài ra, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được quan tâm đúng mức, phụ nữ trong các gia đình nghèo bị thiệt thòi có cơ hội về tài chính để có việc làm, tăng thêm thu nhập, chủ động và tự tin hơn trong cuộc sống, từ đó vấn đề bình đẳng giới trong xã hội ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, TDVM góp phần quan trọng trong việc khắc phục các tệ nạn xã hội phổ biến như: cho vay nặng lãi, hụi hè, cờ bạc, ma tuý...

Mặt khác, TDVM còn góp phần tăng thêm tính đa dạng, nét đặc trưng của nền kinh tế bởi do người nghèo ở nông thôn có điều kiện giử gìn và phát huy các ngành nghề truyền thống ở địa phương, làm cho các ngành nghề này ngày càng phát triển vững mạnh.

Đối với người nghèo

TDVM không những có ý nghĩa đối với nền kinh tế xã hộ mà còn có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với chính bản thân những người nghèo.

Việc sử dụng vốn TDVM làm cho đời sống người nghèo được cải thiện, họ có điều kiện để mua sắm tài sản mới do thu nhập họ khá hơn. Kết quả của các cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ các hộ gia đình mua sắm ti vi, xe máy, dụng cụ sinh hoạt luôn tăng theo thời gian họ tham gia chương trình tín dụng vi mô. Thêm vào đó, do thu nhập được cải thiện nên vấn đề chăm sóc sức khoẻ của họ cũng được chú trọng hơn.

Hoạt động TDVM giúp cho người nghèo phát huy tính sáng tạo trong kinh doanh, tự chủ và độc lập trong cuộc sống. Giảm thiểu được tỷ lệ người nghèo phụ thuộc vào các tệ nạn xã hội, cờ bạc, rượu chè, mại dâm,...

Đặc biệt, TDVM giúp người nghèo giảm thiểu được rủi ro và nguy cơ tổn thương về mặt kinh tế. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, không cần tài sản thế chấp, người nghèo có cơ hội sử dụng vốn cải thiện hoàn cảnh kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Với phần thu nhập tăng thêm này người nghèo chủ động dược với các trường hợp tai nạn, đau ốm. Ngoài ra, một vài chương trình TDVM thường đi kèm với một khoảng tiết kiệm bắt buộc nhờ vậy họ có được them nguồn tài chính và ít bị tổn thương về kinh tế.