Cho một nền nông nghiệp bền vững

Theo Như Ngọc – Đức Trung/saigondautu.com.vn

Theo thống kê của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam, cả nước hiện nay có hơn 200 nhà máy chế biến TACN, chiếm đa số là DN nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
DN ngoại chỉ chiếm số nhỏ, nhưng xét về thị phần thì đang chiếm tới hơn 60%. Còn nếu xét riêng phân khúc thức ăn thủy sản (TATS), hiện tại các DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) dù có số lượng ít hơn, nhưng lại đang nắm trong tay 80% thị phần trên thị trường TATS. Trong đó, hầu hết thị phần thuộc về các DN như Uni-President, CP, Tomboy, Cargill hay Green Feed.  
Hiện trạng thị trường TATS Việt Nam

Với vị trí thống lĩnh thị trường như vậy, các DN FDI đang có lợi thế trong việc chi phối giá cả trên thị trường. Vì nếu như khách hàng không mua sản phẩm của những DN này, thì sự lựa chọn thay thế cũng không có nhiều khi các DN có năng lực sản xuất kém hơn và chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ cũng kém hơn. 

Đáng lưu ý, các DN nước ngoài như Cargill, Uni-President hay CP đều liên tục có kế hoạch phát triển, xây dựng thêm nhà máy và mở rộng công suất sản xuất. Tính riêng Uni-President, hiện thức ăn nuôi tôm của công ty trên thị trường Việt Nam cũng chiếm khoảng 1/3 thị trường, thức ăn dành cho cá da trơn chiếm gần 10% thị trường. Ngoài 3 nhà máy sản xuất TATS với sản lượng hàng năm là 300.000 tấn đang có, họ còn đang đầu tư 20 triệu USD để xây dựng thêm một nhà máy nữa ở Quảng Nam, công suất 100.000 tấn một năm. 

Ở thị trường con giống, Uni-President VN đang có một nhà máy sản xuất từ 1 - 2 tỷ con tôm giống mỗi năm và đang xây dựng thêm một nhà máy tương tự tại Quảng Trị. Công ty Green Feed cũng đã tăng vốn đầu tư lên 80 triệu USD, từ 25 triệu USD lúc ban đầu, với kế hoạch ngoài 4 nhà máy sản xuất TACN, TATS hiện nay, họ sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Việt Nam trong năm nay. 

Trong báo cáo Hội Nghề cá Việt Nam cũng nêu rõ sự lỏng lẻo trong quản lý giá cả đã dẫn đến tình trạng giá TATS liên tục tăng chứ không có giảm. Điều này khiến giá bán thủy sản sẽ phải tăng theo. Và hệ quả là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như tôm hay các sản phẩm cá da trơn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với giá sản phẩm từ các nước như Ấn Độ hay Indonesia. 

Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành, tương lai của ngành cá tra Việt Nam sẽ bị đe dọa nếu không đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và trong rất nhiều lĩnh vực cần quan tâm, những vấn đề R&D cần được tập trung đầu tư càng sớm càng tốt là: Nghiên cứu cải thiện cá tra giống, nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn cho cá tra. 
Sức trỗi dậy của doanh nghiệp nội địa 
Những bất cập của thị trường TATS nội địa mà người nuôi là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất, kế đến là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi họ phải chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế, Sao Mai Group đã thực hiện cú trỗi dậy bằng kế hoạch đầu tư mạnh vào hai lĩnh vực trên. Xây dựng hoàn thành nhà máy chế biến TATS với tổng diện tích  45.885 m2, công trình này do CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI - thành viên của Sao Mai Group) là chủ đầu tư. Nhà máy có 4 dây chuyền, công suất mỗi dây chuyền 12 tấn/giờ. Máy móc thiết bị của nhà máy được nhập khẩu theo công nghệ mới nhất của châu Âu và Hoa Kỳ, có hệ thống nạp liệu tự động. Nhà máy đáp ứng được các tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, GLOBAL GAP, ASC, BAP. 

Cùng với các tiêu chuẩn của Trung tâm sản xuất giống, trang trại nuôi cá và hai  nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tất cả có sự kết hợp đồng bộ sẽ đảm bảo phù hợp với hàng rào tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ. Ở giai đoạn I, Nhà máy TATS Sao Mai sẽ sản xuất ra các loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn Quốc gia: TCVN 10300: 2014 thức ăn hỗn hợp cho cá tra và cá rô phi. Còn bước sang giai đoạn II, nhà máy sẽ đa dạng hóa nhiều hơn các loại thức ăn cho tôm và các loài hải sản khác. 

Xác định chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm TATS, đồng thời khẳng định sức vươn của nền sản xuất nội địa ở ngành hàng này, Nhà máy sản xuất TATS Sao Mai sẽ hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực để tiếp tục nghiên cứu khảo nghiệm chuyên sâu và luôn cải tiến chất lượng theo quy chuẩn mới để sản xuất ra các loại TATS với hệ số FCR thấp. Song song đó, nhà máy thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát đầu vào nghiêm ngặt, đảm bảo đúng về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngành: 10 TCN 864: 2006, 10 TCN 984: 2006.