Chợ thương mại điện tử: Thay đổi tư duy mua sắm
Việc phát triển Chợ thương mại điện tử sẽ là một phương pháp mới tiếp cận thị trường, tạo niềm tin tới người tiêu dùng với các nhà phân phối, các doanh nghiệp sản xuất và từng bước thay đổi thói quen, tư duy mua sắm tiêu dùng.
Thời gian qua, Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với giá trị sản phẩm đạt 25%. Hiện nay, mỗi tháng Hà Nội tiêu thụ khoảng 300.000 tấn lương thực thực phẩm nông - lâm - thủy sản, gồm 92.970 tấn gạo; 18.594 tấn gạo; gà, vịt 6.198 tấn; thủy, hải sản 5.165 tấn; thực phẩm chế biến tư gia xúc, gia cầm 5.165 tấn; rau, củ 103.300 tấn…
Nhằm bảo vệ quyền người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm về truy xuất nguồn gốc nông sản cũng như giúp cơ quan quản lý nâng cao năng lực kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử, ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội bắt đầu triển khai Kế hoạch số 02/KH-UBND về duy trì, phát triển Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020.
Trong lĩnh vực Công Thương, theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 798 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh, đạt tỷ lệ 100%. Đáng chú ý, tất cả cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 756/798 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây (94,74%); tất cả cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây; 753/798 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây (94,36%); 798/798 cửa hàng có thiết bị vệ sinh cơ sở (100%).
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, gần 80% các cửa hàng kinh doanh trái cây đã sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc. Đáng chú ý, Sở đã cấp hỗ trợ hơn 5 triệu tem mã QR truy xuất nguồn gốc cho nông sản lần đầu tham gia hệ thống trên toàn Thành phố.
Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) xây dựng, cung cấp giải pháp phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, xây dựng hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông - lâm - thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển sang hệ thống địa chỉ check.gov.vn. Hoàn thiện quy chế vận hành thí điểm Chợ Thương mại điện tử đã đăng ký tên miền và trang web cho Chợ Thương mại www.chonhaminh.gov.vn với Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban hành quyết định quy chế quản lý hoạt động của Chợ Thương mại điện tử;...
Các doanh nghiệp khi tham gia vào hệ thống này được quyền công khai các nội dung liên quan đến quá trình hình thành sản phẩm, giá sản phẩm, thông tin liên hệ, địa chỉ, điện thoại, xuất xứ nguồn gốc, cơ sở pháp lý...
Đến nay, Sở quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.527 cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 495 doanh nghiệp với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.900 mã sản phẩm (tăng 2.700 mã sản phẩm so với cuối năm 2018).
Năm 2020, mở rộng điểm giới thiệu Chợ Thương mại điện tử
Mục tiêu tới năm 2020, Hà Nội sẽ mở rộng điểm giới thiệu Chợ thương mại điện tử tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Được biết, trong năm 2019, Chợ thương mại điện tử đã được triển khai mỗi tuần 1 lần vào thứ 7, chủ nhật tại các khu đô thị, các quận, huyện và mỗi quận, huyện tổ chức từ 3 - 5 điểm giới thiệu Chợ Thương mại điện tử.
Có mặt tại điểm giới thiệu của Chợ thương mại điện tử, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Nông sản Cao Phong cho rằng, đây là cơ hội tốt để các đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm chuẩn nguồn gốc.
Mang đến các sản phẩm ngon và lành nhất cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp nông nghiệp đều hy vọng “Chợ nhà mình” sẽ là địa chỉ tin cậy của mỗi cư dân Hà Nội, đó là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực mang đến những tinh hoa nông nghiệp tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng.
Việc phát triển Chợ thương mại điện tử sẽ là một phương pháp mới tiếp cận thị trường, tạo niềm tin tới người tiêu dùng với các nhà phân phối, các doanh nghiệp sản xuất và từng bước thay đổi thói quen, tư duy mua sắm tiêu dùng.
Để mô hình này thực sự hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho nông sản; đẩy mạnh xã hội hóa việc truy xuất nguồn gốc và tiến tới bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa trong nước...