Chơi tiền ảo: Coi chừng mất vốn
Đầu tư tiền ảo hoặc trang bị những dàn máy tính với cấu hình "cực khủng" để đào tiền ảo đang là xu hướng hiện nay.
Khi lợi tức của đồng tiền này mang lại quá cao so với các kênh đầu tư truyền thống khác, tâm lý tham lam, mong muốn kiếm lời nhanh của các nhà đầu cơ đã tạo nên trào lưu bỏ tiền thật mua tiền ảo với những rủi ro không lường trước được.
Những hệ lụy từ tiền ảo
Tại Việt Nam, những thông tin lan truyền về tiền ảo đã xuất hiện khá nhiều, và Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro từ những đồng tiền này.
Nhưng thời gian gần đây, sau những thông tin về Bitcoin, giờ đến lượt lan truyền rộng rãi cách kiếm tiền từ tiền ảo Onecoin. Khi tìm hiểu về Onecoin, trang Wikipedia cung cấp những thông tin như "Onecoin là một mô hình Ponzi". OneCoin vận hành theo lối kinh doanh đa cấp cực kỳ rủi ro, nếu không nói là lừa đảo như mô hình Ponzi thời công nghệ (mô hình Ponzi là kiểu vay tiền của người này để trả nợ cho người khác, người đi vay thường đưa ra các cam kết trả lợi tức ở mức cao). Mô hình này không kéo dài được khi người chủ mưu đào thoát và người cho vay sau sẽ mất tiền.
Theo Wikipedia, bà Ruja Ignatova là người sáng lập và là giám đốc điều hành Onecoin, cư trú tại Sofia, Bulgaria. Ngân hàng của nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo Onecoin là rủi ro và không được chấp nhận thanh toán.
Một mạng lưới giao dịch OneCoin được công bố trên internet |
Ngoài Onecoin, hiện nay có nhiều loại tiền ảo khác đang được kinh doanh theo hình thức đa cấp, mang nhiều hệ lụy cho những nhà đầu tư không hiểu biết với mong muốn kiếm tiền nhanh trong thời gian ngắn.
Onecoin khác gì so với Bitcoin?
Bitcoin cũng là một đồng tiền ảo gây sốt trong thời gian gần đây. Giá mỗi Bitcoin đã phá vỡ mốc 2.000 USD vào ngày 20/5 vừa rồi. Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, do Satoshi Nakamoto phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Không có ngân hàng nào quản lý Bitcoin và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên internet. Sự cung ứng Bitcoin là tự động, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Bitcoin được cấp tới các máy tính "đào" Bitcoin để trả công cho việc xác minh giao dịch và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng, được gọi là blockchain.
Sự an toàn của Bitcoin đến từ việc blockchain hoàn toàn mở, ai cũng có thể kiểm tra từng giao dịch để xem có gian dối gì không, kiểm tra xem Bitcoin đang được sử dụng có xác thực không, còn Onecoin thì hoàn toàn không thể kiểm chứng. Chúng tôi cũng đã tìm blockchain của Onecoin trên mạng thì chỉ thấy lời hứa hẹn: "sẽ được công bố minh bạch trong nay mai".
Bitcoin được chấp nhận như một hình thức thanh toán tại hàng trăm nghìn công ty, trang web trên thế giới, trong đó có những công ty tỷ đô như Microsoft, Dell..., còn Onecoin không được chấp nhận ở bất cứ đâu.
Hiện tại, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư trên 1 tỷ đô la Mỹ để phát triển các công ty Bitcoin. Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh quốc) vào năm 2017, có khoảng 2,9 triệu đến 5,8 triệu người trên thế giới sử dụng ví tiền mã hóa mà chủ yếu là Bitcoin. Từ năm 2013 đến nay, giá mỗi đồng Bitcoin đã tăng từ 91 USD lên 2.000 USD, mức sinh lời hơn 2000% trong vòng hơn 3 năm.
Việc đầu tư Bitcoin, cũng như các kênh vàng hay ngoại tệ, chứa đựng rủi ro và những lo ngại về một loại bong bóng tài chính trong lĩnh vực tiền tệ trên internet, nên nhà đầu tư nên cân nhắc và cẩn trọng trong mọi quyết định đầu tư. Mặt khác, ngay Bitcoin cũng được dùng làm đồng tiền thanh toán trong một số mô hình Ponzi, nên nhà đầu tư cần cảnh giác.