"Chọn - cho" chuyển sang "chọn - bỏ"
(Tài chính) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2014, nhiều nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ vui mừng trước những bước tiến vừa mới có của môi trường kinh doanh nước ta. Những bước tiến này được tạo ra do Quốc hội đã thông qua các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế...
Đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu đều nhất trí, việc kinh tế vĩ mô ổn định là một lợi thế lớn của nước ta, vì sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chỉ sau 6 tháng tổ chức diễn đàn doanh nghiệp giữa năm, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng khi Quốc hội thông qua các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế... Những quy định mới trong các dự án luật này đã giúp giảm đáng kể gánh nặng về thời gian kê khai thuế và tổng lượng thời gian cho các thủ tục thuế dự kiến sẽ giảm từ hơn 500 giờ hiện nay xuống còn 171 giờ từ 1/1/2015 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế có hiệu lực thi hành; xóa bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại theo lộ trình cụ thể... Đặc biệt, đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Virginia Foote đánh giá cao, việc dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã có cách tiếp cận mới, chuyển từ phương pháp chọn – cho chuyển sang chọn – bỏ đối với các lĩnh vực cấm đầu tư.
Việc cải thiện triển vọng phát triển của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) Tomaso Andreatta nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu để giảm giá bất động sản, định hướng đúng đắn cho thị trường, giúp người có thu nhập trung bình khá tham gia ngày càng nhiều vào thị trường này. Bởi càng có nhiều người tham gia, thì giao dịch bất động sản mới sôi động trở lại. Bên cạnh đó, theo ông Tomaso Andreatta, Việt Nam đang có cơ hội phục hồi thị trường bất động sản khi Quốc hội thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở, thay vì phải thuê hoặc nhờ đứng tên có nhiều rủi ro như hiện nay.
Ngoài ra, những nỗ lực gần đây để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu chi phí, ngăn chặn tham nhũng hiệu quả hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia thương mại toàn cầu tốt hơn... cũng giúp tăng sức thu hút với nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, sự tin tưởng của nhà đầu tư châu Âu với kinh tế Việt Nam đã tiếp tục tăng lên và chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Euro Cham khảo sát đã tăng từ 66 lên 74. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nước ta tăng liên tục trong 3 năm qua và đến tháng 10/2014 đạt 1.388 công ty, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan.
Song nhiều ý kiến cho rằng, năng suất lao động bình quân thấp, sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển liên tục của quốc gia, cũng như thu hút các cơ sở sản xuất dịch chuyển đến nước ta. Thực tế, các khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp doanh nghiệp Nhật Bản hay của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đều cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở nước ta đều đang thiếu kỹ thuật viên chuyên nghiệp, lao động có kỹ năng và kỷ luật. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng còn quan ngại với tình trạng tham nhũng, thủ tục pháp lý rườm rà...
Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn, nước ta không còn trì hoãn áp dụng các quy định mới liên quan đến môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu để bảo đảm việc điều hành diễn ra minh bạch, có giải trình, đáng tin cậy, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng với nhau. Trong đó, cần thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đã được hiến định, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, cải thiện môi trường công nghệ cao. Cơ chế thi hành quyền sở hữu trí tuệ của Chính phủ cần triển khai trên diện rộng, hiệu quả và tăng sức răn đe trong các mức phạt với hình thức vi phạm này.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần nỗ lực triển khai các quy định pháp luật để môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh cao hơn; giải quyết sự thiếu nhất quán trong triển khai các chủ trương, chính sách; bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Ủy ban Diễn đàn Kinh doanh Shimon Tokuyama nhấn mạnh, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, Việt Nam sẽ phải bãi bỏ một phần thuế nhập khẩu vào năm 2015, bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2018, và bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, các quốc gia phát triển sẽ chỉ đầu tư vào những thị trường có khả năng tiêu thụ cao, nên đầu tư nước ngoài có nguy cơ sẽ chuyển sang quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung phát triển sản xuất thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là phải làm rõ chính sách phát triển sản xuất công nghiệp.
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, nước ta được xếp thứ 78 trên 189 nền kinh tế được đánh giá và thấp hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, bất lợi cạnh tranh này của nước ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Và thực tế, với các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, môi trường kinh doanh của nước ta được đánh giá là có những bước tiến mới. Để củng cố những thay đổi mới này, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành bám sát tinh thần của những dự án luật này, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tối đa chi phí ngầm cho doanh nghiệp.