Chọn lọc trong thu hút FDI

Theo daibieunhandan.vn

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với những tác động của FDI thời gian qua, cần định hướng thu hút FDI một cách có lựa chọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Mặt khác, trong tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực, để tận dụng cơ hội thu hút FDI, chúng ta cần vượt qua được sự cạnh tranh. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư TS. NGUYỄN THỊ TUỆ ANH chia sẻ với PV Báo ĐBND như vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gắn liền với hội nhập

Phóng viên: Với chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, bà đánh giá thế nào về vai trò của vốn FDI đối với nền kinh tế nước ta thời gian qua?

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh: Điểm đặc biệt của FDI cần nhấn mạnh ở đây là vai trò đối với nền kinh tế nước ta đó là hội nhập. Khi FDI vào làm cho nước ta có sự thay đổi và chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, thể hiện rõ là sự xuất hiện của khu vực chế biến chế tạo. Trước đây khu vực chế biến, chế tạo gần như bằng 0, nhưng qua nhiều năm khu vực chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng đóng góp khoảng 23 - 24% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). FDI còn gắn với sự xuất hiện của nhiều ngành mới, ví dụ như ngành công nghiệp điện tử.

Đóng góp của FDI còn thể hiện rõ ở một số khía cạnh, như đóng góp vào khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 14% ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục tăng dần qua các năm và đạt khoảng 20% GDP vào năm 2014. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tính cả dầu thô), sản xuất công nghiệp FDI cũng chiếm hơn 60%, ở nhiều ngành còn gần như tuyệt đối…

Nước ta là nền kinh tế có tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tương đối nhiều. Trong mấy năm vừa qua, xuất khẩu của chúng ta lại dựa và phụ thuộc vào khu vực FDI. Khu vực FDI có nhập khẩu tương đối cao nhưng vẫn có những thặng dư. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước trở lại nhập siêu. Điều này chứng tỏ rằng, nội lực của nền kinh tế hiện tại là không mạnh. Hiện tại, thu hút FDI của chúng ta cũng đang hết sức có vấn đề.

Theo bà, “những vấn đề” của chúng ta ở đây là gì?

Vấn đề của chúng ta nằm ở việc thu hút, sử dụng và quản lý FDI. Đó là khả năng hấp thụ nguồn vốn còn khiêm tốn, đồng nghĩa với việc chưa tận dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn này; chất lượng của nguồn vốn chưa cao; việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế, tình trạng chuyển giao công nghệ còn chậm. Còn có nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên của khu vực FDI theo tôi có nguyên nhân từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế, cũng như những hạn chế trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài.

Nhiều cơ hội thu hút FDI

Nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng khi tính trung bình 7 tháng qua, dòng vốn FDI đang có xu hướng giảm. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Theo các số liệu thu thập được thì so với cùng kỳ năm ngoái, thu hút FDI có giảm đi nhưng không hẳn là giảm mạnh, chỉ khoảng 25%. Về tổng thể, thu hút FDI 7 tháng qua giảm nhưng chúng ta lại thu hút được lượng vốn có chất lượng hơn và có khả năng tạo ra sự lan tỏa khác đối với nền kinh tế.

Theo quan điểm cá nhân, dẫu lo lắng nhưng dòng vốn FDI dịch chuyển là theo khách quan, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài sẽ di chuyển đầu tư sang nơi mang lại lợi nhuận cao hơn. Chính vì vậy, vấn đề của chúng ta là phải xem xét đâu là nguyên nhân khiến thu hút FDI giảm.

Với xu hướng giảm, cùng với việc sắp tới hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, năm 2015, thu hút FDI thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào?

Với xu hướng giảm như hiện tại nhưng có thể 6 tháng cuối năm lại tăng lên. Theo tôi, nước ta bây giờ có rất nhiều cơ hội thu hút FDI, nhất là khi dòng vốn này đang có xu hướng dịch chuyển. Ví dụ như hiện tại đang có làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc đi sang các nước ASEAN nói chung, trong đó, có nước ta. Có thể nói, đây chính là cơ hội tốt để chúng ta đón những luồng đầu tư như vậy, đặc biệt nguồn FDI có chất lượng.

Trong năm 2015, điểm nhấn là việc chúng ta chuẩn bị ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Như vậy có nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực ASEAN. Các nước có khả năng cạnh tranh với nước ta có thể là Campuchia, Philippines, Myanmar, bởi đây là các nền kinh tế đang nổi lên ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, để tận dụng được những cơ hội thu hút FDI, chúng ta cần vượt qua được sự cạnh tranh.

Để tăng cường thu hút và hạn chế những bất cập trong sử dụng FDI, thời gian tới, chúng ta cần tập trung làm gì?

Theo tôi, thứ nhất phải có định hướng lại trong việc thu hút FDI. Cụ thể là thu hút ở những lĩnh vực chúng ta cần và còn yếu. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có quy mô lớn, với sản phẩm mang tính cạnh tranh xuất khẩu được ra thị trường thì mới tạo ra được sự lan tỏa. Cho nên, vấn đề ở đây chúng ta phải xem các doanh nghiệp trong nước yếu ở khâu nào, chuỗi nào thì lúc đấy chúng ta sẽ tìm ra được mắt xích mà ở đó cần sự hỗ trợ từ Nhà nước một phần.

Thứ hai chúng ta cần có điều kiện khi ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, như điều kiện về chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất… Đây là vấn đề mà dường như bấy lâu nay chúng ta chưa có quy định rõ ràng trong vấn đề này, tức là chỉ chú trọng điều kiện đầu vào mà không tính đến điều kiện đầu ra. Ví dụ như vấn đề đầu ra, trước đây chúng ta thường nói tỷ lệ nội địa hóa nhưng mà cái chúng ta cần có là điều kiện quy định các doanh nghiệp FDI phải có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong nước thì mới được hưởng ưu đãi…

Thứ ba là tập trung phát triển nguồn lực lao động có tay nghề, hiện tại, nguồn nhân lực của nước ta tuy dồi dào nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, nguồn nhân lực có trình độ cao thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI. Đây là một trong những lý do khiến cho nhiều doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao công nghệ nhưng không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao dây chuyền, công nghệ; chủ động tìm hiểu và lên kế hoạch sản xuất để tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI…

Xin cảm ơn bà!