Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế
Trong 7 tháng năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập và vốn FDI đều tăng công nghiệp chế biến phục hồi mạnh mẽ… Những yếu tố này tạo cơ sở để tin tưởng có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,2% cả năm như chỉ tiêu đề ra.
Những tín hiệu lạc quan
Trong 7 tháng năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng 10,1%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh với mức tăng 9,9% trong 7 tháng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn mức tăng chung của ngành và tăng 10,1%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng năm 2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 7 tháng năm 2015 đạt 64,6 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 56,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 7 tháng năm 2015, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 8,02 tỷ USD.
Tính đến ngày 20/7/2015, cả nước có 1.068 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2014. Có 341 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,88 tỷ USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung trong 7 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỷ USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm 2014.
7 tháng đầu năm 2015, số DN thành lập mới của cả nước là 52.004 DN với tổng số vốn đăng ký là 321.265 tỷ đồng, tăng 22,7 % về số DN và tăng 22,4 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, cũng có 12.749 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 365.170 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2015 là 686.435 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2015 cũng chứng kiến 9.974 DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong cả nước, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, 7 tháng đầu năm 2015, tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%), mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. Về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do ANZ cống bố, tại tháng 7/2015 cho thấy, ở mức 138,6 điểm, giảm 4,5 điểm so với tháng trước song chỉ số này vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7,6 điểm, và cao hơn mức trung bình của năm 2014 (trung bình năm 2014 là 133 điểm). Những điều này cũng phần nào cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế…
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước luỹ kế 7 tháng đạt 544,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số tích cực trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn do giá dầu giảm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, các thành viên Chính phủ đều có chung đánh giá rằng, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đối diện một số thách thức như sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta, xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN trong nước sụt giảm...
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn. Trong tháng 7/2015, phát hành trái phiếu chính phủ chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành trái phiếu chính phủ vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu trong tháng 7 cải thiện hơn. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu trong tháng 7 tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015. Lãi suất phát hành giữ ở mức cao là 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm. Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106,69 tỷ trái phiếu chính phủ qua Kho bạc Nhà nước, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm…
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2015, tình hình DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh tăng lên. Theo đó, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 32.373 DN, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 10.059 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 22.314 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Đối với các DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước đạt 5.456 DN, dù giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước song vẫn ở mức cao.
Tình hình thu ngân sách tiếp tục dự báo gặp nhiều khó khăn, trong đó một trong những nguyên nhân chính là do giá dầu giảm. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước. Triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn)…
Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế
Trong bối cảnh đó, mới đây, tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...; Tập trung hoàn thành, giải ngân các dự án quan trọng, cấp bách; Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, sự hồi phục kinh tế thế giới và khu vực. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, DN.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước nhằm tạo ra hàng hóa đa dạng, có chất lượng cho thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, ngành xây dựng, ngành giao thông... theo các đề án đã được duyệt của từng bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình.
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư cho đầu tư phát triển; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đãđề ra trong các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành công thương. Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, sớm kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập…