Chồng chéo thủ tục đầu tư
Quy trình phức tạp, nhiều đầu mối giải quyết dẫn đến hồ sơ trùng lặp, quy định pháp luật chồng chéo khiến mỗi địa phương hiểu một kiểu là những vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải khi thực hiện thủ tục liên quan tới cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Thủ tục quay vòng
Từng phải tiến hành rất nhiều thủ tục mới thực hiện được một dự án đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chia sẻ, chỉ một dự án mà chúng tôi phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần, thực hiện nhiều thủ tục trùng lặp với cùng một cơ quan chuyên môn, gây mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Không chỉ riêng công ty của ông mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó khi phải trải qua nhiều vòng thủ tục mà nguyên nhân xuất phát từ sự chồng chéo của văn bản pháp luật.
Mặc dù ngay từ đầu, Sở Xây dựng đã tham mưu về thẩm tra quy hoạch, thế nhưng sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải quay về Sở Xây dựng để thực hiện lại thủ tục về quy hoạch xây dựng.
Tương tự với quyết định thẩm tra nhu cầu sử dụng đất, dù đã tồn tại trước khi có quyết định chủ trương đầu tư nhưng khi ký hợp đồng giao đất, cho thuê đất, doanh nghiệp lại phải thực hiện thủ tục riêng về nội dung này.
Nguyên nhân là bởi tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, Sở Xây dựng không đủ thông tin để cho ý kiến về việc có phù hợp với quy hoạch xây dựng hay không, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thiếu căn cứ để xác định nhu cầu sử dụng đất đó không thay đổi về sau. Do vậy, doanh nghiệp lại phải thực hiện những thủ tục lặp đi lặp lại với cùng một cơ quan chuyên môn.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho biết, một dự án bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật dẫn tới sự thiếu thống nhất khi thực hiện, đặc biệt thủ tục liên quan tới quyết định chủ trương đầu tư.
Hiện có 4 tiêu chí đưa ra để quyết định chủ trương đầu tư là thẩm tra quy hoạch, thẩm tra nhu cầu sử dụng đất, đánh giá sơ bộ về môi trường và đánh giá công nghệ. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp.
“Ngay cả khi chuyển nhượng dự án bất động sản, doanh nghiệp phải xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư, trong khi cùng lúc phải xin quyết định phê duyệt theo Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện hai lần xin quyết định chủ trương” - một chuyên cho biết thêm.
Địa phương cũng lúng túng
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan tới thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng khiến nhiều địa phương lúng túng khi áp dụng.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Luật Đầu tư có quy định trong hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải nộp đề xuất dự án đầu tư, trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư.
Như vậy, địa điểm được xác định trước khi có quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng thì cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các chủ đầu tư khi có yêu cầu, tức là không bắt buộc và không nói rõ là phải có trước hay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư.
“Do có sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật nên các địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây lúng túng cho nhà đầu tư. Có địa phương cho rằng phải thực hiện thủ tục hành chính giới thiệu địa điểm trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; cũng có địa phương lại thực hiện sau đó và cũng có nơi đồng thời thực hiện hai thủ tục cùng lúc” - ông Nguyễn Phương Bắc khẳng định.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá, đầu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất cũng khiến không ít địa phương băn khoăn. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhận định, các văn bản pháp luật từ Luật Đầu tư tới Luật Đất đai, Luật Đấu thầu đều chưa quy định rõ loại đất nào (đất đã giải phóng mặt bằng hay chưa; đất giao, thuê hay nhận chuyển nhượng; đất của Nhà nước hay của cá nhân, tổ chức sử dụng đất) và các dự án nào (lựa chọn nhà đầu tư hay chỉ định nhà thầu) phải đấu giá, đấu thầu và quyết định chủ trương đầu tư.
Điều này gây khó khăn cho địa phương, dẫn tới tình trạng có nơi không thực hiện đấu giá, đấu thầu với dự án đầu tư có gắn liền với quyền sử dụng đất mà thay vào đó là thực hiện thông qua cơ chế cấp chủ trương đầu tư.
Nhiều địa phương phản ánh, điểm bất hợp lý còn nằm ở thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mặc dù Luật Đầu tư không yêu cầu trong hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư phải có quyết định phê duyệt ĐTM nhưng trong Luật Bảo vệ môi trường thì quyết định phê duyệt ĐTM lại là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư.
Chính vì vậy, trên thực tế ĐTM thường phải làm trước khi có chủ trương đầu tư. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhận định, thủ tục quyết định phê duyệt ĐTM rất phức tạp và tốn kém, nếu chưa nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục này sẽ rủi ro cho nhà đầu tư.
Hơn nữa, khi thông tin đầu vào chưa đầy đủ, chưa chính xác thì việc yêu cầu nhà đầu tư làm ĐTM có bảo đảm hay không? Nhất là sau khi có sự kiện Formosa, nhiều nhà khoa học và địa phương kiến nghị phải đánh giá ĐTM khi đã có thiết kế, từ đó mới đưa ra được phương án bảo vệ môi trường tốt nhất.