Thái Lan: Điểm sáng thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp
Với xuất phát điểm không có gì nổi trội nhưng chỉ sau vài thập kỷ tập trung phát triển kinh tế, Thái Lan đã vượt lên trở thành nhóm dẫn đầu về phát triển kinh tế trong các nước ASEAN.
Những kết quả này có được là do Chính phủ nước này đã tận dụng tối đa cơ hội để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế nói chung và các khu công nghiệp nói riêng. Quan trọng hơn, Thái Lan đã có chính sách điều chỉnh linh hoạt và đồng bộ sao cho phù hợp với biến động của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới, qua đó, hỗ trợ tích cực quá trình triển khai thực hiện các chiến lược, chuyển từ thay thế hàng nhập khẩu, sang xuất khẩu và gần đây là kết hợp đồng thời, hài hòa cả thay thế hàng nhập khẩu với xuất khẩu.
Điều chỉnh linh hoạt và đồng bộ chính sách thu hút FDI
Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN) luôn được Thái Lan coi là một trong những nhân tố quan trọng để kích thích nền kinh tế phát triển. Năm 1959, Thái Lan đã thành lập Bộ Đầu tư và đến năm 1960 đã ban hành Luật Đầu tư.
Điểm nổi bật của môi trường đầu tư Thái Lan nói chung và thu hút FDI vào các KCN nói riêng là sự điều chỉnh linh hoạt và đồng bộ các chính sách phù hợp với biến động thị trường quốc tế và chiến lược phát triển chung của quốc gia này, tạo hỗ trợ đắc lực thực hiện các chiến lược từ phát triển thay thế hàng nhập khẩu, sang hướng về xuất khẩu và gần đây là kết hợp đồng thời, hài hòa cả thay thế nhập khẩu với hướng về xuất khẩu.
Trong giai đoạn 1972 - 1996, Bộ Đầu tư Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến làm việc tại nước này với những ưu đãi về đất đai, chế độ làm việc nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu.
Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự chuyển biến theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Nhờ những chính sách này, thu hút vốn FDI vào Thái Lan đã đạt được kết quả bước đầu.
Trong số các lĩnh vực thu hút vốn FDI thì lĩnh vực công nghiệp thu hút nhiều nhất (với các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái), sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng…
Mặc dù, dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Trong số các quốc gia, lãnh thổ rót vốn đầu tư vào Thái Lan, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư lớn nhất với khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) đang đầu tư tại quốc gia này; Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn FDI vào Thái Lan; Lượng vốn FDI từ các nhà đầu tư Singapore chiếm khoảng 80-90% tổng vốn đầu tư của các nước ASEAN vào Thái Lan.
Để thu hút thêm vốn FDI, trong chiến lược mới được Thái Lan thông qua đầu tháng 9/2014, nước này sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa, giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng…
Về thủ tục đầu tư, có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập DN để đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.
Quá trình thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trải qua 2 bước: Đăng ký Giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký kinh doanh thành lập DN theo cơ chế “một cửa tại chỗ”. Cơ quan quản lý đầu tư tại quốc gia này là Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), trước đây cơ quan này được giao làm đầu mối thực hiện để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay, BOI chỉ đóng vai trò là đầu mối cung cấp các thông tin liên quan và cấp Giấy chứng nhận ưu đãi cho nhà đầu tư. Việc xin cấp các loại giấy phép khác do nhà đầu tư tự thực hiện tại các bộ, cơ quan chuyên ngành như: Bộ Thương mại cấp Giấy đăng ký kinh doanh để thành lập DN; Bộ Công nghiệp cấp Giấy phép kinh doanh.
Những điểm nhấn thu hút FDI vào các khu công nghiệp
Điểm nhấn nổi bật trong chính sách thu hút FDI vào các KCN của Thái Lan là có sự đa dạng và linh hoạt các chính sách và cấp độ ưu đãi nhằm thu hút đầu tư FDI vào các KCN, cụ thể:
- Các khuyến khích bằng thuế: Miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập DN; Giảm 50% thuế thu nhập DN; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của DN; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện nay, thuế suất phổ thông thuế thu nhập DN của Thái Lan là 20%.
- Các khuyến khích phi thuế: Cho phép công dân nước ngoài vào Thái Lan để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa vào Thái Lan những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai; cho phép mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
Về loại hình DN: Thái Lan cho phép có 3 loại hình DN được áp dụng đối với đầu tư nước ngoài: DN tư nhân đơn nhất, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư nhân. Hình thức phổ biến nhất đối với đầu tư nước ngoài là công ty TNHH tư nhân.
Đặc biệt, môi trường đầu tư Thái Lan phân biệt ưu tiên, ưu đãi đối với từng nhóm dự án đầu tư cụ thể được phân loại theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế cả nước; theo hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến và mức chuyển giao công nghệ, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và cho đào tạo lao động, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tỷ lệ nợ trên vốn và theo vị trí địa lý dự án trong khu công nghiệp.
Các dự án ưu đãi đầu tư trong công nghiệp và nhất là KCN thường được phân thành 2 nhóm: nhóm A với các lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế; nhóm B với các lĩnh vực không được hưởng ưu đãi thuế, nhưng có thể được hưởng các ưu đãi khác.
Nhóm A được chia thành 4 nhóm thành phần là: Nhóm A1, bao gồm các dự án có tầm quan trọng lớn đối với quốc gia, trung tâm R&D, thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc gia; Nhóm A2, gồm các dự án sử dụng công nghệ cao, vốn lớn, bảo vệ môi trường, song phải là các dự án chưa từng được đầu tư ở Thái Lan; Nhóm A3, gồm các dự án giống A2 nhưng đã từng đầu tư tại Thái Lan và cần thiết phải kêu gọi thêm vốn đầu tư; Nhóm A4, gồm các dự án không áp dụng công nghệ cao, nhưng có tầm quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Thái Lan trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các dự án thuộc các nhóm khác nhau sẽ nhận được các ưu đãi thuế cụ thể khác nhau về mức độ và thời gian (ví dụ: Dự án thuộc nhóm A1 và A2 được miễn thuế thu nhập DN trong 8 năm, dự án nhóm A3 được miễn thuế 5 năm và A4 được miễn thuế 3 năm). Các dự án nhóm A còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hay nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Nhóm B bao gồm các lĩnh vực đầu tư được địa phương ưu đãi, nhưng chỉ được hưởng các ưu đãi ngoài thuế như: Quyền được sở hữu đất hay được hỗ trợ cấp visa hay giấy phép lao động cho lao động nước ngoài (mà không bị hạn chế như các dự án thông thường). Trong một số trường hợp, những dự án quan trọng còn có thể được miễn thuế xuất, nhập khẩu.
Vị trí địa lý dự án và các KCN thuộc đối tượng được nhận ưu đãi chia thành 03 vùng: Vùng 1, vùng 2, vùng 3; trong đó, vùng 3 được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất, vì càng xa Thủ đô Bangkok thì mức độ ưu đãi càng lớn.
Diện hưởng ưu đãi đầu tư thu hẹp dần từ 240 ngành, lĩnh vực xuống còn 100 ngành, lĩnh vực, hiện tập trung hơn vào các lĩnh vực: Phát triển công nghệ cao; R&D, đẩy mạnh hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; Phát triển DN nhỏ và vừa; Tận dung ưu thế về vị trí địa lý cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.
Thái Lan đặc biệt ưu đãi cho FDI đầu tư vào các KCN theo quy hoạch phát triển kinh tế của đất nước, để tạo nên sức hút lớn cho các KCN.
Chính sách thu hút FDI của Thái Lan nhìn chung năng động, liên tục được điều chỉnh để thích nghi với từng thời kỳ phát triển đất nước. Đặc biệt, Thái Lan đã xác định thu hút vốn FDI đầu tư trọng điểm, từ đó, xây dựng các bộ phận chuyên trách riêng biệt đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch khác nhau.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào như nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu, cước viễn thông quốc tế, giá thuê đất chi phí lưu thông hàng hoá, nới lỏng chính sách thuế thu nhập cho người nước ngoài.
Chính phủ rất chú ý phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thành lập ủy ban hỗ trợ về vấn đề này và cùng với các tổ chức chuyên môn lo phát triển, xây dựng, hình thành những mối liên kết công nghiệp hỗ trợ trong nước. Theo đó, Chính phủ Thái Lan đề ra sáng kiến thành lập KCN hỗ trợ nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ trên toàn quốc.
Hiện Thái Lan có tới 19 ngành công nghiệp phụ trợ ở 3 cấp: Lắp ráp, cung cấp thiết bị – phụ tùng – linh kiện và dịch vụ. Điển hình về sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ ở Thái Lan, đó là trong lĩnh vực sản xuất ôtô.
Từ chỗ từng bước nội địa hóa phụ tùng, đến nay Thái Lan đã xuất khẩu cả ôtô với linh kiện – phụ tùng được sản xuất tại chỗ. Mặc dù chỉ có 15 nhà máy lắp ráp, nhưng Thái Lan có đến 1.800 nhà cung ứng. Chính phủ Thái Lan từ chỗ quyết định về tỷ lệ nội địa hóa (năm 1996): 40% đối với xe tải nhỏ, 54% đối với xe tải khác, đã tiến đến yêu cầu động cơ diesel phải được sản xuất trong nước.
Khi năng lực của ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển đáp ứng yêu cầu, Thái Lan có chính sách buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã ổn định sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ tỷ lệ nội địa hóa nói trên. Điều này đã kéo theo những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, mà còn kéo theo các công ty, tập đoàn lớn từ chính các nước đầu tư sang mở thêm các cơ sở công nghiệp phụ trợ tại Thái Lan.
Trong quá trình triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư tại Thái Lan phải tuân thủ các tiêu chuẩn về xây dựng, bảo vệ môi trường... Cụ thể, tại Thái Lan, nhà đầu tư phải có giấy phép xây dựng trước khi xây dựng nhà máy.
Nhờ có những chính sách hợp lý mà những thập kỷ gần đây, Thái Lan trở thành điểm đến cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Theo Báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh lần thứ 12 ngày 29/10/2015 của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương... công bố chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 của Thái Lan đứng thứ 26/189, so với 78/189 của Việt Nam.
Tóm lại, môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Thái Lan khá thành công trong việc thu hút FDI vào KCN. Đây là yếu tố quyết định làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của nền kinh tế Thái Lan, trở thành một quốc gia có cơ cấu công nghiệp, dịch vụ khá hiện đại trong nhiều lĩnh vực về kỹ thuật và công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á.
Nắm giữ vai trò là quốc gia chủ lực trong khối ASEAN về công nghiệp xe hơi, lọc hóa dầu, xi măng, hóa chất, nông nghiệp kỹ thuật cao... Những tác động từ FDI là cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng ổn định và là tiền đề cho sự thay đổi vượt trội về năng lực cạnh tranh và hấp dẫn thu hút đầu tư của Thái Lan trong khu vực châu Á.
Tài liệu tham khảo:
1. Thu hút FDI tại Thái Lan đầu tư theo hướng chọn lọc và có những ưu tiên riêng khi các DN đầu tư vào các KCN, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;
2. Bí quyết thu hút FDI của một số nước châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;
3. Kinh nghiệm thực tiễn thu hút FDI tại Thái Lan, Malaysia và kinh nghiệm cho Việt Nam, cập nhật ngày 27/3/2015;
4. Kinh nghiệm thu hút FDI của một số nền kinh tế, tổng hợp theo http://irv.moi.gov.vn, http://www.nciec.gov.vn.