Chống chuyển giá: Cần nhất quán quy định tại Nghị định 20 và Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã củng cố thêm các quy định về cơ chế chống chuyển giá và được xây dựng dựa trên Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
PV: Đến thời điểm này, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã gần như hoàn thiện và sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2019. Ông có nhận định như thế nào về dự thảo Luật này?
Ông Sebastian Eckardt: Trước hết, tôi phải nói rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đưa ra đúng thời điểm bởi nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam có rất nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động với nhiều hoạt động xuyên biên giới phức tạp.
Đây cũng là thời kỳ của nền kinh tế số làm thay đổi cách xử lý giao dịch. Những điều này có ảnh hưởng đến hệ thống thuế. Và tất nhiên Việt Nam còn có tốc độ phát triển kinh tế cao, đòi hỏi môi trường pháp lý về thuế phải tiếp tục được thay đổi, hấp dẫn hơn nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) rất quan trọng vì nó tạo nền tảng để hệ thống thuế hoạt động có hiệu lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế với những phát triển mới mang tầm quốc tế và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số. Đồng thời, hệ thống thuế cũng cần hoạt động hiệu quả hơn đối với Chính phủ, tức là không tốn quá nhiều chi phí để vận hành hệ thống, và quan trọng hơn nữa là hiệu quả đối với người nộp thuế sao cho họ cũng không phải quá tốn kém khi tuân thủ các quy định về thuế.
Nếu xem xét nội dung bản dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có thể thấy có một số điểm tiến bộ gắn hệ thống pháp luật của Việt Nam với các thông lệ quốc tế, đó là vấn đề liên quan đến chuyển giá. Ông đánh giá như thế nào về những quy định này?
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đó chính là tăng cường quy định về cơ chế chuyển giá. Cụ thể, dự thảo đã phản ánh những thông lệ quốc tế và nguyên tắc tốt gắn với thực tế tại Việt Nam. Ví dụ như những nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc "bản chất quyết định hình thức". Những yêu cầu về báo cáo tài chính đối với công ty đa quốc gia cho cơ quan Thuế đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là yêu cầu báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Điều này phù hợp với thông lệ tốt nhất trên thế giới.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã tạo khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan Thuế của các nước khác. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì các công ty đa quốc gia không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn ở nhiều đất nước khác. Việc chia sẻ thông tin thuế tốt hơn sẽ đảm bảo các công ty không chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác. Như vậy, những điểm mới này rất hữu ích, và chúng được phát triển trên cơ sở những thành quả mà Việt Nam đã thu được trong Nghị định số 20.
Đặc biệt, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đã có quy định cho phép Việt có thể rà soát và cập nhật lại 70 Hiệp định thuế song phương theo hướng áp dụng thành 1 Hiệp định thuế đa phương. Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam có một Hiệp định thuế tiêu chuẩn giúp giải quyết những kẽ hở khiến các doanh nghiệp không thể chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế suất thấp hơn.
Để Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) càng thêm hoàn thiện và được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới đây, ông có khuyến nghị gì đối với cơ quan soạn thảo?
Hiện nay, những quy định tại Nghị định 20 đã khá tốt và cụ thể. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo thống nhất về từ ngữ giữa dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với Nghị định 20. Dù thực tế dự thảo Luật đã phản ánh được tinh thần của Nghị định 20 nhưng đôi chỗ từ ngữ còn chưa thống nhất. Cần thống nhất hơn để có khuôn khổ pháp quy, pháp lý nhất quán, tránh gây hiểu nhầm. Đặc biệt, cần nâng tầm các quy định trong Nghị đinh 20 để có thể đưa vào các điều khoản của Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Xin cảm ơn ông!