Chống chuyển giá ở Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm!
Cuộc chiến chống chuyển giá không chỉ là vấn đề đau đầu riêng của Việt Nam mà của toàn thế giới do thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Tại Việt Nam, để đấu tranh với vấn nạn này hiệu quả, còn rất nhiều việc phải làm.
Chuyển giá đã trở thành đề tài nóng trên thế giới, và cũng là vấn đề đang được Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam quan tâm, tìm giải pháp phòng chống. Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đề nghị tới đây, Deloitte sẽ tích cực tư vấn việc ngăn ngừa, xử lý chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam...
Thực tế cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực, nổi bật là hoạt động chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển giá đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ.
Theo báo cáo của VCCI cho biết, mỗi năm có khoảng trên từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh. Có những thời điểm, tại một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương..., tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm.
Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương, chống chuyển giá giữa các doanh nghiệp liên kết trong nước. Cần sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngành Thuế cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành, nghề có rủi ro cao về chuyển giá, làm cơ sở chung cho việc phân tích rủi ro và đấu tranh chống chuyển giá. Trong khi việc áp dụng cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) còn những khó khăn nhất định,cần đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp chống chuyển giá bằng phương pháp định giá chuyển giao, trên cơ sở thu thập thông tin về giá thị trường và sử dụng quyền ấn định giá của cơ quan Thuế.