Chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng ghi nhận từ Cục Thuế Long An
(Tài chính) Hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và gian lận trong hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đang là chủ đề nóng ở các tỉnh biên giới miền Tây Nam bộ. Song với phương pháp, cách làm “tiền kiểm” của mình, Cục Thuế Long An đã phát giác 69 doanh nghiệp (DN), với số thuế định hoàn hơn 200 tỷ đồng và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực chống gian lận hoàn thuế GTGT.
Những năm gần đây, việc hoàn thuế GTGT trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra khá sôi động. Nếu như năm 2009, toàn Tỉnh chỉ có 262 DN xin hoàn với số thuế 939,26 tỷ đồng, thì năm 2010 đã là 327 DN với số tiền đã hoàn 1.247,36 tỷ đồng; năm 2011 là 353 DN với số tiền đã hoàn 2.144,53 tỷ đồng; năm 2012 là 386 DN, số tiền hoàn thuế 2.142,6 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2013, tổng số thuế đã hoàn 1100,26 tỷ đồng, tăng 6,05% so với cùng kỳ. Trong các khoản hoàn thuế này, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư mới và cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục có số thuế đầu vào còn được khấu trừ.
Mặc dù số DN nộp hồ sơ hoàn thuế tăng nhanh như vậy, song theo ông Cao Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thuế Long An, qua công tác quản lý và kiểm tra, thanh tra thuế thời gian qua, Cục Thuế chưa phát hiện trường hợp nào gian lận, chiếm dụng tiền thuế GTGT. Tuy nhiên, để có được sự “không gian lận” như hiện nay lại là chuyện không đơn giản, bởi bên cạnh những DN chấp hành tốt pháp luật thuế, còn có một bộ phận không nhỏ luôn tìm mọi cách để gian lận thuế. Điều này không chỉ diễn ra ở Long An mà ở hầu hết các địa phương.
Qua trao đổi ông Tạo cho biết, chống gian lận hoàn thuế GTGT là một vấn đề rất phức tạp và nan giải, để hoàn đúng, hoàn đủ quả thật không đơn giản, còn nếu chỉ dựa hoàn toàn vào hồ kê khai của các đối tượng nộp thuế, bỏ qua “hậu kiểm” thì Nhà nước sẽ mất đi nhiều tỷ đồng. Vì vậy, khi triển khai kế hoạch kiểm tra thuế tại các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn, Cục Thuế Long An đã phải tập trung một lượng lớn cán bộ của ngành và quán triệt đến mỗi cán bộ thuế rằng, đây không chỉ là công việc chống mua bán hóa đơn bình thường mà là “cuộc chiến” chống gian lận “moi tiền ngân sách”. Do vậy bất kể thời gian, hoàn cảnh nào, cán bộ thuế đều phải vào cuộc.
Qua thực tế theo dõi và báo cáo của các chi cục thuế khu vực Đồng Tháp Mười cho thấy, từ giữa năm 2012 có một số đối tượng từ miền Tây như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ... đến địa bàn huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng thuê nhà dân, đơn vị hành chính địa phương để thành lập DN, công ty kinh doanh các mặt hàng lương thực như: tấm, cám, lúa, gạo... nhưng hoàn toàn không có kho bãi chứa hàng hóa, không có tài sản cố định, không có chứng từ chi phí vận chuyển, bốc xếp liên quan đến hoạt động kinh doanh. DN cũng không thuê mướn lao động, chỉ thuê kế toán ghi sổ và báo cáo thuế; vốn đầu tư đăng ký kinh doanh và quỹ tiền mặt không đảm bảo cho việc kinh doanh với doanh số lớn. Trong khi đó DN lại phát sinh doanh thu kê khai rất lớn; hàng hóa đầu vào thể hiện trên hóa đơn đều nhận từ các DN đã có thông báo bỏ trốn tại TP. Hồ Chí Minh, hóa đơn đầu ra được xuất cho các DN trên địa bàn thuộc tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp...; DN mới thành lập nhưng mua, bán hàng hóa với số lượng lớn, nhưng số thuế GTGT phát sinh rất thấp.
Từ những dấu hiệu không bình thường, ông Tạo nhận định, các công ty dạng này thành lập chủ yếu là để mua, bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa hàng hóa đầu vào của các DN đầu mối để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, để có đủ cơ sở xử lý và ngăn chặn kịp thời các DN có dấu hiệu vi phạm, Cục thuế Long An đã chuyển một số vụ việc điển hình sang Công an Tỉnh đề nghị xác minh làm rõ.
Trong thời gian chờ kết quả phản hồi của ngành Công an, ngày 5/11/2012, Cục Thuế đã có Công văn 1661/CT-TTr đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố tạm thời không hoàn thuế và không khấu trừ thuế đối với những DN có dấu hiệu mua, bán hóa đơn, nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Song song đó, Cục Thuế đã ban hành kế hoạch kiểm tra thuế tại các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn. Theo đó, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra với 15 công chức do 3 Phó trưởng phòng thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế làm trưởng đoàn và huy động tất cả các công chức đội kiểm tra của 3 chi cục Thuế tham gia.
Trong thời gian chờ kết quả phản hồi của ngành Công an, ngày 5/11/2012, Cục Thuế đã có Công văn 1661/CT-TTr đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố tạm thời không hoàn thuế và không khấu trừ thuế đối với những DN có dấu hiệu mua, bán hóa đơn, nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Song song đó, Cục Thuế đã ban hành kế hoạch kiểm tra thuế tại các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn. Theo đó, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra với 15 công chức do 3 Phó trưởng phòng thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế làm trưởng đoàn và huy động tất cả các công chức đội kiểm tra của 3 chi cục Thuế tham gia.
Kết quả kiểm tra, xác minh hóa đơn đầu vào cho thấy, các DN đứng tên trên hóa đơn đã có thông báo không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh và không có hàng hóa. Từ đó, Cục Thuế Long An đã có Công văn số 870 ngày 10/6/2013 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố đề nghị không khấu trừ và hoàn thuế GTGT đối với 69 DN nhận, xuất hóa đơn nhưng không có hàng hóa. Đáng mừng là sau đợt kiểm tra này, các DN thành lập và hoạt động với mục đích, dạng thức tương tự đã không còn xuất hiện.
Với những phương pháp và cách làm phù hợp, thời gian qua Cục Thuế tỉnh Long An đã ngăn chặn được nhiều DN có ý định gian lận hoàn thuế GTGT trên địa bàn. Theo ông Tạo, để đạt được những kết quả đó, ngoài sự quyết tâm của ngành Thuế Long An thì yếu tố quan trọng là sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương. Nếu ở đâu chính quyền và ngành Thuế cùng vào cuộc thì ở đó chống gian lận hoàn thuế có hiệu quả. Nhờ đó, Cục Thuế Long An đã giảm tổn thất hơn 200 tỷ đồng - số thuế GTGT mà các DN gian lận đã kê khai trong hồ sơ hoàn thuế.