Chóng mặt ship hàng, đìu hiu quán vắng

Theo Lê Cường/enternews.vn

Trong khi dịch bệnh gây thiệt hại cho nhiều ngành kinh tế, thì thị trường mua sắm online lại rất sôi động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bán hàng online "lên ngôi"

Chị Nguyễn Thị Thanh, bán hàng online tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, tưởng dịch bệnh thì hàng hóa ế ẩm, nhưng ngược lại thì rất nhiều đơn hàng. Tôi vừa bán vừa là người chuyển hàng trực tiếp cho khách, có ngày chạy quanh thành phố đến chóng mặt để kịp đơn hàng cho khách. “Đơn hàng tăng đột biến, doanh thu cũng tăng vài lần so với trước đây”, chị Thanh nói.

Lý giải cho việc tăng hàng đến chóng mặt này, chị Thanh nói, để phòng dịch bệnh nên đa số người dân ngại ra đường, ngại đi ăn uống bên ngoài vì vậy, việc ngồi nhà nhắn tin, gọi điện để có được món đồ, thực phẩm ưng ý là cách họ lựa chọn.

Đúng như chị Thanh chia sẻ, theo ghi nhận của PV DĐDN, khu vực Bãi Cháy vốn là điểm ăn chơi sôi động bậc nhất Quảng Ninh, nay hầu hết các giờ trong ngày đều rất vắng.

Khu du lịch Bãi Cháy, Quảng Ninh vắng ngắt. Các nhà hàng gần như đóng cửa do hầu hết người dân ngại ra ngoài ăn uống, thay vào đó là sự lựa chọn mua bán online. Ảnh Lê Cường
Khu du lịch Bãi Cháy, Quảng Ninh vắng ngắt. Các nhà hàng gần như đóng cửa do hầu hết người dân ngại ra ngoài ăn uống, thay vào đó là sự lựa chọn mua bán online. Ảnh Lê Cường

Chị Vũ Thị Vân, quản lý nhà hàng Hương Lan chia sẻ, chỉ vài ngày sau khi dịch bệnh bùng phát, số khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc gần như bằng không. Ngay cả khách Việt Nam, khách thành phố cũng gần như không có ai. Cửa hàng tôi cả tuần nay chưa đón vị khách nào.

Ngay cả những Trung tâm thương mại, chợ truyền thống thường ngày khách ra vào tấp nập, việc mua bán khá nhộn nhịp như chợ Hạ Long 1 ( Quảng Ninh) nhưng nay khách ra vào cũng thưa thớt, mỗi ngày cũng chỉ có lèo tèo vài khách du lịch đến từ các nước châu Á, khách Tây dạo chợ. Còn tiểu thương thì ngồi than ngắn thở dài hoặc bấm điện thoại “giết” thời gian.

Chị Trần Oanh, TP Hạ Long cho biết, trước đây cứ cuối tuần tôi đều đến siêu thị VinCom gần nhà ở để mua sắm và cho bé chơi các trò chơi trong siêu thị. Nhưng từ ngày có thông tin về dịch SARS - CoV- 2 thì tôi không đi siêu thị mua sắm thường xuyên nữa, mà chỉ khi nào cần mua sắm các vật dụng cần thiết thì tôi mới đến siêu thị mua. Còn lại chủ yếu đặt mua hàng online qua những người bán quen thuộc, tin cậy.

Cẩn trọng khi mua hàng online

Có thể thấy, trước nỗi lo lây bệnh khi tiếp xúc với người khác ngày càng tăng, nên việc mua sắm online là giải pháp hữu hiệu mà người tiêu dùng lựa chọn ưu tiên trong thời điểm này. Nắm bắt được điều này, nhiều cửa hàng, siêu thị đã nhanh chóng “lật ngược thế cờ”. Điều này thấy rất rõ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị N.T.Thu, chủ quán ăn ở đường Phạm Hữu Lầu (quận 7) cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra quán của chị lúc nào cũng đông khách có khi còn không đủ bàn cho khách ngồi. Tuy nhiên, kể từ sau Tết đến nay, khách đến quán vắng hơn do thông tin về dịch. Nhưng được cái, lượng khách quen của quán nhiều, chủ yếu là khách làm khách văn phòng nên đặt mua về khá đông. Bắt đầu từ khoảng 11 giờ trưa mỗi ngày, các tài xế công nghệ đến quán chờ nhận hàng còn đông hơn cả khách ăn tại quán.

Chị T.T.Nga, chủ kinh doanh mặt hàng quần áo trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho biết, để bán được hàng, mấy ngày gần đây tôi đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website, và điện thoại tư vấn khách hàng không cần phải đến cửa hàng, cứ để nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Khi hàng giao đến, khách được quyền mở ra kiểm tra, chỉ khi nào thấy ưng ý thì mới thanh toán, nhận hàng.

Trong khi nhiều ngành nghề khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, thì thị trường điện tử lại "sống khỏe". Ảnh internet
Trong khi nhiều ngành nghề khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, thì thị trường điện tử lại "sống khỏe". Ảnh internet

Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Sàigon Co.op, MM Mega Market... cũng đã tăng cường hình thức thương mại điện tử (TMĐT), mua sắm online, để người tiêu dùng ở nhà vẫn có thể chọn mua tất cả các mặt hàng cần mua mà không cần phải tới siêu thị. Bên cạnh đó, để kích thích sức mua qua kênh trực tuyến, các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2-2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, người mua hàng gặp phải không ít  hàng kém chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn...

Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với một số sàn thương mại diện tử như Shopee, Lazada, Tiki… đã phát hiện, xử lý trên 30.000 gian hàng online lợi dụng COVID-19 để trục lợi với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Vì vậy, người mua cần thận trọng khi mua hàng để tránh “tiền mất tật mang”.