Chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử
TP. Hồ Chí Minh có hoạt động thương mại điện tử phát triển sôi động nhất cả nước, nhưng kết quả thu ngân sách từ hoạt động này vẫn chưa tương xứng. Thực tế cho thấy, tuy phát triển mạnh, nhưng công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, nhất là quản lý thuế, nguồn gốc hàng hóa, luồng hàng,… dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm.
Các đơn vị chức năng đang triển khai hàng loạt biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng thất thu thuế kinh doanh qua mạng trên địa bàn.
Siết kiểm soát thuế kinh doanh qua mạng
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử liên tục trong bốn năm (2017-2020). Hiện thành phố có gần 140 nghìn website hoạt động; trong đó, hơn 16 nghìn website thương mại điện tử đã thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương, gồm gần 15.750 website bán hàng (chiếm 48,3% tổng số website bán hàng cả nước) và gần 500 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm gần 50% cả nước).
Tỷ lệ doanh nghiệp cập nhật website hằng ngày ổn định ở mức cao (47%); các tính năng của website ngày càng đa dạng, cho phép đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Xu hướng phát triển thương mại điện tử trên thiết bị di động cũng ngày càng tăng nhanh; giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới bắt đầu phát triển, giúp người tiêu dùng dễ dàng đặt mua hàng hóa từ thị trường quốc tế. Theo ước tính của các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2021 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 5 tỷ USD, chiếm khoảng 15-20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; chiếm hơn 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.
Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra số 10 (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh) Đỗ Quốc Tuấn cho biết: Phần lớn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế vì nghĩ rằng cơ quan thuế không biết doanh thu từ kinh doanh thương mại điện tử. Khi giao dịch mua bán, các đối tượng mua hàng đều không lấy hóa đơn, khi thanh toán lại thường thông qua các đơn vị trung gian thanh toán hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế đều có cách thức xác định được những khoản doanh thu này. Từ việc truy vết các đối tượng và nguyên nhân không thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế Thành phố đã ban hành đề cương quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đề ra giải pháp quản lý thuế để các tổ chức, cá nhân trên tinh thần tự giác thực hiện kê khai nộp thuế.
Nhằm quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, trên các kênh YouTube, Facebook…, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi ba doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa hoàn toàn nhận được hợp tác từ phía doanh nghiệp. Đến nay, Cục Thuế Thành phố chỉ nhận được thông tin từ một doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn cung cấp, nhưng số liệu vẫn sơ sài, không đầy đủ. Ngoài ra, Cục Thuế Thành phố còn nhận được dữ liệu của Tổng cục Thuế, thông báo 112 doanh nghiệp trên địa bàn có doanh thu kinh doanh trên sàn thương mại điện tử từ ngày 1/4/2020 đến ngày 31/3/2021 đạt hơn 258,5 tỷ đồng.
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, từ số liệu do Tổng cục Thuế cung cấp, Cục Thuế Thành phố đã xử lý các doanh nghiệp bán hàng qua sàn thương mại điện tử Tiki hơn 608 triệu đồng. Cục Thuế Thành phố còn xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng (COD), doanh nghiệp trung gian thanh toán. Kết quả kiểm tra một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng có số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp hơn 9,5 tỷ đồng; một doanh nghiệp trung gian thanh toán có số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp hơn 9 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi kiểm tra ba công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam (MCN), cơ quan thuế thành phố phát hiện hai doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ kê khai nộp thuế nên đã truy thu, xử phạt và tiền chậm nộp hơn 26,5 tỷ đồng. Trong sáu tháng năm 2022, Cục Thuế Thành phố đã xử lý các cá nhân, tổ chức có phát sinh thu nhập từ Google gần 150 tỷ đồng; trong đó, xử lý tổng cộng 110 cá nhân có thu nhập từ Google với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp hơn 140 tỷ đồng; xử lý 43 doanh nghiệp hơn 8,9 tỷ đồng. Tổng cộng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp liên quan đến thương mại điện tử tại TP. Hồ Chí Minh trong sáu tháng qua lên tới hơn 186 tỷ đồng.
Cần cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu chung
Theo nhận định của ông Đỗ Quốc Tuấn, các biện pháp quản lý thuế đã triển khai trong thời gian qua mới quản lý thuế tại ngọn, chỉ kiểm tra quản lý các tổ chức, cá nhân không lập hóa đơn kê khai nộp thuế, do đó tốn nhiều công sức của cả cơ quan quản lý lẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn và cả sàn thương mại điện tử. Để bảo đảm quản lý thuế các đối tượng trên hiệu quả, giảm đầu mối kê khai thuế, cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế, cơ quan quản lý nên nghiên cứu quy định khấu trừ thuế tại nguồn thông qua sàn thương mại điện tử.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề xuất, cần thiết ban hành quy định: Doanh nghiệp là chủ sàn thương mại điện tử có các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa trên sàn có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử để nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với tổ chức là doanh nghiệp thì doanh nghiệp lập hóa đơn, tự thực hiện kê khai nộp thuế, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế dữ liệu các doanh nghiệp bán hàng không lập hóa đơn kê khai nộp thuế.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý thương mại điện tử, đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp cơ quan thuế trong quản lý thu ngân sách nhà nước. Thanh tra giám sát chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện quy định, phối hợp cung cấp thông tin giao dịch đáng ngờ, giao dịch nhận tiền và trả tiền giữa tổ chức, cá nhân trong nước với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Từ đó, Cục Thuế đề nghị các ngân hàng thương mại định kỳ cung cấp dữ liệu khoản thu nhập phát sinh từ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nước do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho các tổ chức nước ngoài như: Google, Apple, YouTube, Facebook, Netflix… Đây được xem là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế có căn cứ tính toán đầy đủ các khoản thuế các tổ chức, cá nhân phải thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, công tác xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về thương mại điện tử trên địa bàn thành phố vẫn chưa được như mong muốn. Sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thống nhất trong kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin về hoạt động thương mại điện tử.Hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đăng ký được báo cáo trực tiếp với Bộ Công Thương, nhưng thông tin không được chia sẻ đầy đủ cho các địa phương gây khó khăn trong việc kiểm tra, theo dõi trên địa bàn. Hiện nay, việc từng đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước triển khai thu thập dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều trở ngại trong chia sẻ dữ liệu do vướng chính sách, quy định về bảo mật của ngành thuế, ngân hàng, công an.
Từ thực tế nêu trên, Sở Công thương kiến nghị Hội đồng nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn như Cục Thuế, Công an, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Thống kê, Sở Thông tin và Truyền thông,… tích cực phối hợp Sở Công thương xây dựng cơ sở dữ liệu chung nhằm thu thập, nắm bắt tốt hơn tình hình hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đưa ra được những định hướng, chính sách phát triển hiệu quả hơn.