Chi Cục Thuế huyện Đắk Mil, Đắk Song nỗ lực chống thất thu thuế bất động sản
Thời gian qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil - Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã, đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ, đẩy mạnh chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản.
Kết quả bước đầu
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Đắk Mil, Đắk Song có hơn 8.000 hồ sơ thuế liên quan đến lĩnh vực đất đai. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày cơ quan thuế tiếp nhận gần 100 hồ sơ cần giải quyết. Tuy nhiên, qua kiểm chứng, đối chiếu, có hơn 90% hồ sơ là khai giá không đúng so với thực tế giao dịch. Trước tình trạng này, Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil - Đắk Song triển khai nhiều giải pháp để chống thất thu.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil - Đắk Song, trước tiên, cơ quan thuế trực tiếp vận động bà con kê khai thuế đúng giá giao dịch. Chi cục tham mưu cho địa phương chỉ đạo các ban, ngành cùng vào cuộc. Các xã, thị trấn, phòng công chứng thực hiện công chứng hồ sơ cho người dân sát, đúng với thực tế.
“Đối với những hợp đồng lớn, nghi ngờ thất thu ngân sách, chúng tôi mời người nộp thuế lên và yêu cầu kê khai lại. Những trường hợp cố tình chây ì, không chấp hành quy định, cơ quan thuế phối hợp với công an có biện pháp xử lý”, ông Nhuận cho biết.
Bằng những giải pháp này, số thu ngân sách trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn đã tăng lên. Cụ thể, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, số thu ở lĩnh vực này tại 2 huyện Đắk Mil và Đắk Song là gần 40 tỷ đồng, tăng hơn 14 lần so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, riêng số thu từ công tác vận động, đấu tranh, yêu cầu người dân kê khai lại tăng lên 4,5 tỷ đồng.
Khó khăn và hướng tháo gỡ
Thực tế, với những giải pháp mà cơ quan thuế đang triển khai, nhận thức của người nộp thuế đang dần thay đổi. Theo bà Lê Thị Lam, người dân xã Nam Bình (Đắk Song), trước đây, hầu hết hợp đồng giao dịch chuyển nhượng đều do phòng công chứng lập và giải quyết. Bên mua và bên bán chỉ việc ký và đóng thuế là xong.
Tuy nhiên, những hồ sơ chuyển nhượng đất gần đây, tôi đều được cán bộ thuế gọi lên và yêu cầu kê khai lại thuế. Số thuế nộp vào ngân sách Nhà nước cũng vì thế mà cao hơn. “Đã là quy định của Nhà nước thì người dân phải chấp hành. Cách cơ quan thuế làm như vậy là rất đúng, bảo đảm công bằng”, bà Lam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Đại, xã Thuận An (Đắk Mil) cho hay, khai đúng giá thực tế giao dịch thì số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước sẽ cao hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước, ai cũng phải chấp hành. "Tôi hi vọng về phía cơ quan Nhà nước đã làm thì phải làm cho tới. Tránh tình trạng mất công bằng giữa người này, người kia”, ông Đại nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil - Đắk Song, mặc dù chống thất thu thuế lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản đạt kết quả bước đầu, nhưng thực tế vẫn chưa như kỳ vọng. Vì trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.
Ngoài sự chênh lệch giữa giá giao dịch thực tế với giá kê khai, việc thanh toán bằng tiền mặt không qua chuyển khoản cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong vấn đề xử lý, thu thập thông tin. Điều này dẫn đến thiếu cơ sở để yêu cầu người dân kê khai lại thuế đúng giá giao dịch. Ngoài ra, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản còn nhiều kẽ hở mà người dân lợi dụng để lách luật.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil - Đắk Song, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, các cơ quan thuế đang rất mong các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND điều chỉnh khung giá đất tối thiểu sát với giá thị trường giao dịch. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để người dân không giám lách quy định.
Về phía Sở Tư pháp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động các phòng công chứng, buộc họ không được tiếp tay với người dân trong việc khai man thuế. Có như vậy, tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này mới được hạn chế.