Chủ đầu tư có được đổi tên, mã hàng hoá khi lựa chọn nhà thầu?

Theo Chinhphu.vn

Theo quy định, hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trần Văn Cường, Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, trong quá trình thương thảo hợp đồng và trình ký hợp đồng, Tổ chuyên gia, Chủ đầu tư có được phép đổi tên thiết bị trong bảng giá hợp đồng theo thông số nhà thầu chào thực tế không (thay đổi so với tên tương ứng trong phạm vi cung cấp của gói thầu)? Việc thay đổi này có làm ảnh hưởng gì trong quá trình thực hiện hợp đồng và quyết toán dự án hay không?
Có quan điểm cho rằng khi ký hợp đồng phải giữ nguyên tên thiết bị trong phạm vi cung cấp của hồ sơ mời thầu là A để phù hợp với thiết kế tổng thể và nhiều hạng mục công việc liên quan của dự án. Khi thực hiện hợp đồng và quyết toán dự án, thiết bị sử dụng cho dự án thực tế là B, tức là "có sai khác so với phạm vi cung cấp của Hợp đồng" và không được phép nghiệm thu hay thanh toán. Quan điểm này có đúng hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 65 Luật Đấu thầu quy định hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với trường hợp ông Trần Văn Cường, Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng hỏi, việc ký kết hợp đồng phải tuân thủ quy định nêu trên. Theo đó, trong hợp đồng ký kết với nhà thầu trúng thầu phải mô tả rõ tên, xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn mác sản phẩm và đơn giá của hàng hóa, thiết bị mà nhà thầu đề xuất, cung cấp cho gói thầu.

Bên cạnh đó, Công ty cần lưu ý, trong hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) mà không được quy định tương đương về xuất xứ (Điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).