Việc xác định và áp dụng đơn giá tiền công thuê ngoài

Theo Chinhphu.vn

Theo phản ánh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, quy định về mức chi tiền công thuê ngoài cho điều tra viên, công quan trắc, khảo sát lấy mẫu tại Phụ lục 01 mâu thuẫn với mức chi về nhân công quy định tại Phụ lục 3, 4 của Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 6/1/2017 của Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Phụ lục 01 Thông tư 02/2017/TT-BTC, đối với trường hợp thuê ngoài thì mức tiền công 1 người/ngày tối đa không quá 200% mức lương cơ sở, tính theo lương ngày do Nhà nước quy định cho đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm thuê ngoài (22 ngày) (Nếu tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng hiện nay thì tiền công khoảng 118.182 đồng/công).

Còn tại Phụ lục 3, 4 kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn tính tiền công với công việc có hay chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đều được tính như sau:

- Chi phí công lao động kỹ thuật (LĐKT) = Số công LĐKT cần thiết x đơn giá công LĐKT;

- Chi phí lao động phổ thông (LĐPT): Số công theo định mức x đơn giá công LĐPT.

Hiện nay, trên thực tế tại các tỉnh thì Sở Tài chính thường áp dụng mức đơn giá theo Phụ lục 01 bởi đó là đơn giá tiền công đã được Thông tư quy định cụ thể cho các công việc này khi thuê ngoài. Do đó, không đủ kinh phí để các đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn rõ trong trường hợp nào thì áp dụng đơn giá tiền công theo Phụ lục 01 hoặc bỏ quy định này do mâu thuẫn với Phụ lục 3 và 4.

Ngoài ra, cũng theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC mâu thuẫn với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 bởi các lý do sau:

Trước khi các dự án, đề án được phê duyệt thì đơn vị chủ trì phải thuê tư vấn lập dự án, đề án. Do đó, việc thuê tư vấn thực hiện phải có dự toán và kinh phí gói thầu được duyệt. Trên cơ sở đó để triển khai ký hợp đồng thực hiện.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Phụ lục 02 Thông tư 02/2017/TT-BTC thì chi phí lập dự án, đề án được tính chung vào dự toán kinh phí của dự án, đề án. Nếu dự án, đề án chưa được phê duyệt thì dự toán kinh phí lập dự án, đề án cũng chưa được duyệt và chưa được bố trí kinh phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 nêu trên.

Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: ''Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên''.

Như vậy, khi dự toán kinh phí lập dự án, đề án chưa được duyệt và không được cấp kinh phí thì không thể thuê tư vấn thực hiện nhiệm vụ này được (kể cả trường hợp đơn vị tư vấn chấp thuận thực hiện trước và thanh toán sau khi có dự toán và kinh phí được duyệt) nếu không sẽ trái với quy định tại điều khoản này.

Thực tế hiện nay, nhiều dự án, đề án sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường được các chủ đầu tư chỉ định thầu đơn vị tư vấn và ký hợp đồng thực hiện, kinh phí trong hợp đồng chỉ ghi là tạm tính và xác định chính thức khi dự toán dự án, đề án được phê duyệt. Sau khi dự toán dự án, đề án nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư làm thủ tục giải ngân kinh phí lập dự án, đề án thì Kho bạc Nhà nước không thanh toán với lý do vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 8 nêu trên (Chưa có dự toán, kinh phí được duyệt và phân bổ đã ký hợp đồng triển khai thực hiện).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương nhận thấy những mâu thuẫn trên là vướng mắc chung của các tỉnh, thành phố hiện nay. Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, làm căn cứ để các tỉnh triển khai thực hiện các nội dung trên.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Việc xác định và áp dụng đơn giá tiền công

Theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BTC ngày 6/1/2017, đối tượng áp dụng mức chi tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này là chi cho điều tra viên; công quan trắc, khảo sát, lấy mẫu (trường hợp thuê ngoài); không xác định theo lương ngạch bậc chức vụ và các khoản phụ cấp đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo quy định tại Phụ lục 3,4 chi phí nhân công lao động kỹ thuật tính theo tiền lương cơ bản, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương được tính theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ, dự án.

Do vậy, việc xác định và áp dụng đơn giá tiền công căn cứ vào đối tượng lao động thực hiện nhiệm vụ, dự án. Việc so sánh công thuê ngoài thấp hơn tiền nhân công kỹ thuật để trả tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương cho viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp.

Về chi phí lập dự án, đề án

Theo quy định tại Phụ lục 01 (Số thứ tự 1) quy định lập nhiệm vụ 1-2 triệu đồng/1 nhiệm vụ, lập dự án từ 3-5 triệu đồng/1 dự án tùy theo mức độ phức tạp của nhiệm vụ/dự án. Lập dự án có tính chất như dự án đầu tư thì áp dụng như quy định đối với nguồn vốn đầu tư, cụ thể:

- Các nhiệm vụ, dự án chi sự nghiệp bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4, Thông tư số 02/2017/TT-BTC chủ yếu là các nhiệm vụ thường xuyên, kinh phí lập nhiệm vụ, dự án tính trong kinh phí của nhiệm vụ, dự án đó.

- Đối với dự án có tính chất như dự án đầu tư, việc thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho dự án chuẩn bị đầu tư như sau:

Tại Khoản 7, Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 1/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 2/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định: Tạm ứng, thanh toán vốn đối với các dự án có tổng mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, việc kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện theo quy định tại thông tư hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính.

Tại Điểm 1, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước quy định tại Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 08/2016/TT- BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Đối với dự án chuẩn bị đầu tư:

- Văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án;

- Quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền kèm theo dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư;

- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;

- Hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu.”.

Như vậy, để thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư của dự án chuẩn bị đầu tư có tổng mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên được thực hiện theo quy định trên.