Chủ động các giải pháp phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam

PV.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Thông báo số 5735/TB-BNN-VP về ý kiến Kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam
Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam

Trước đó, ngày 22/6/2016, Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế” đã diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp. Sau khi nghe các báo cáo, tham luận và ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực, là thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn đang bị cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, những cách ứng phó về sản phẩm cá tra của chúng ta vẫn chưa hiệu quả, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thay vì tăng cường đảm bảo chất lượng thì chỉ chú trọng cạnh tranh về giá.

Nhằm bảo vệ hình ảnh của cá tra Việt Nam, đồng thời tiếp tục duy trì, thúc đẩy sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện, tham mưu để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP trong tháng 7/2016.

Theo đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh trong tháng 7/2016 để triển khai ngay khi Nghị định sửa đổi Nghị định 36 có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, tham mưu cho Bộ tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng cá da trơn xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo đề nghị của VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam).

Về lâu dài, giao Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện, trình phê duyệt lại Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”. Đề án này cần gắn kết với việc thực hiện Nghị định sửa đổi Nghị định 36, xây dựng thương hiệu và sản phẩm cá tra chất lượng cao. Các dự án, đề tài khoa học công nghệ của Đề án cần tập trung nghiên cứu giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Vụ pháp chế và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách đối với ngành hàng cá tra để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Đồng Tháp, An Giang tổng kết mô hình “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cá tra” và đề xuất chính sách, giải pháp phát triển mô hình liên kết chuỗi, trong đó, chú ý chính sách ưu đãi tín dụng.

Đề nghị VASEP vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển dòng sản phẩm cá tra chất lượng cao nhằm khôi phục uy tín, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường nội địa và xuất khẩu, giữ vững các thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, đề nghị các Hội, Hiệp hội phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường liên kết, hợp tác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên; phối hợp với các bên liên quan kiểm soát tốt chất lượng và an toàn thực phẩm để nâng cao uy tín cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam.