Chủ động cải cách, hiện đại hóa hải quan phục vụ hội nhập và phát triển đất nước


75 năm trưởng thành và phát triển, ngành Hải quan luôn tuân thủ tuyệt đối đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới đất nước từ 1986 đến nay, ngành Hải quan đã tập trung cải cách hành chính, hiện đại hóa để hướng tới mục tiêu hội nhập và phát triển.

Chủ động cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan

Thời gian qua, Chính phủ đặt ra yêu cầu cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhằm sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong tình hình mới. Trong tiến trình đó, ngành Tài chính nói chung và ngành Hải quan nói riêng đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai cải cách hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực và đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Lễ khai trương vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (ngày 12/7/2017)
Lễ khai trương vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (ngày 12/7/2017)

Ngược dòng lịch sử, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập (1987 - 2005), Tổng cục Hải quan đặt ra nhiệm vụ phải tự đổi mới cả về đội ngũ cán bộ, xây dựng thể chế, phương thức quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động nghiệp vụ và phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong thời kỳ này, Pháp lệnh Hải quan được ban hành và có hiệu lực từ 01/5/1990 đánh dấu một giai đoạn phát triển về chất của Ngành. Luật Hải quan năm 2001 được ban hành là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động hải quan, sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005 để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong thời kỳ đất nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2005 - 2015), tiếp tục các nội dung cải cách, đổi mới, bước đầu hiện đại hóa ở giai đoạn trước, Tổng cục Hải quan đã xây dựng trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, đồng thời tích cực triển khai hoàn thiện hệ thống pháp luật Hải quan, trong đó có xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tham gia xây dựng Luật Thuế xuất khẩu nhập khẩu, Luật Quản lý thuế với nhiều nội dung đổi mới, cải cách tiến bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý quản lý hải quan hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Một trong những dấu ấn nổi bật và rõ nét nhất mà Hải quan Việt Nam đạt được đó chính là điện tử hóa các hoạt động quản lý hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động này được đẩy mạnh từ năm 2005 bằng việc thí điểm điện tử hóa thủ tục hải quan. Sau đó, nhờ có sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, đầu năm 2014, Hải quan Việt Nam chính thức triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Đến nay, hệ thống VNACCS/VCIS luôn vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của gần 100% doanh nghiệp tại tất cả các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Nổi bật là hệ thống xử lý dữ liệu tập trung cấp Tổng cục với mức độ tự động hóa cao, thời gian đăng ký tờ khai hải quan chỉ còn khoảng 3 giây, thời gian thông quan đối với các lô hàng phân luồng xanh, không phải nộp thuế chỉ có 4 giây. Việc thực hiện khai báo, xử lý hồ sơ trên hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Cùng với trọng tâm là Hệ thống VNACC/VCIS, Hải quan Việt Nam xây dựng, vận hành hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin khác như:

Chủ động cải cách, hiện đại hóa hải quan phục vụ hội nhập và phát triển đất nước - Ảnh 1

- Hiện đại hóa thủ tục hải quan dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro trong tất cả các khâu nghiệp vụ: Thực hiện thanh toán thuế điện tử, phối hợp với 43 ngân hàng trong thanh toán thuế, phí liên quan, nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; giảm thời gian từ 2 ngày xuống còn 15 phút. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 95% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến nay ngành Hải quan liên tục thu đạt và vượt số thu theo dự toán; Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đã giảm thiểu chỉ còn khoảng 5%, tổng số các lô hàng xuất - nhập khẩu giảm thời gian, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và thực hiện kiểm tra chuyên ngành: Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các TTHC đã triển khai thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng mục tiêu và tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN kết quả cụ thể:

+ Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Tính đến ngày 15/6/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 3,133 triệu bộ hồ sơ và trên 39,1 nghìn doanh nghiệp tham gia (Riêng từ 01/01-15/6/2020, số hồ sơ đã được xử lý hơn 363,4 nghìn bộ hồ sơ của hơn 4 nghìn doanh nghiệp tham gia).

+ Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin liên quan đến thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu với các nước trong ASEAN, Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử tất cả 9 nước ASEAN. Đến ngày 15/6/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 227.436 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 384.865 C/O.

- Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất: Ngành Hải quan đã triển khai mạnh mẽ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp gần 90% DVCTT mức độ 3 và 4, tiến hành rà soát, chuẩn bị cung cấp DVCTT tối thiểu mức 3 cho TTHC mới được bổ sung, sửa đổi. Theo đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện và giải quyết các thủ tục hành chính công một cách nhanh gọn và thuận tiện nhất.

- Hiện đại hóa phương thức và trang thiết bị để phục vụ công tác kiểm tra giám sát hải quan:

+ Tổng cục Hải quan đã tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan và chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tổng cục Hải quan đã mua sắm và đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại như: tàu, canô chống buôn lậu trên biển, trên sông; máy soi container; máy soi hành lý; máy soi hàng hóa. Trang bị hệ thống camera giám sát tại các cửa khẩu quan trọng; seal GPS định vị giám sát hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, thiết bị bay không người lái…

+ Triển khai và mở rộng hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) tại cảng biển, hàng không của hầu hết các Cục Hải quan đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chủ động cải cách, hiện đại hóa hải quan phục vụ hội nhập và phát triển đất nước - Ảnh 2

Vấn đề kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu lâu nay là rào cản đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện đang được cải cách tích cực. Trước thực trạng đó, ngành Hải quan đã xây dựng Đề án cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Đề án, đến nay, công tác kiểm tra chuyên ngành đã từng bước được cải thiện. Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia, văn bản pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm tỷ lệ mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và áp dụng quản lý rủi ro. Hiện nay, ngành Hải quan đang tập trung xây dựng Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” theo Nghị quyết số 99/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã tập trung kiện toàn sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các đơn vị trong ngành theo hướng đúng chức năng, không bỏ sót hay chồng chéo nhiệm vụ, tập trung cho những nơi, địa bàn có nhiều công việc phát sinh, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn. Ngành Hải quan đã sắp xếp, tổ chức lại Chi cục Hải quan thuộc các Cục Hải quan, qua đó đã giảm được 12 Chi cục Hải quan; giảm 232 Đội, Tổ, chiếm 37,8% Đội, Tổ thuộc Chi cục; thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, phân cấp quản lý cán bộ, công chức theo quy định. Đội ngũ công chức Hải quan ngày càng có chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật hải quan.

Thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đặc biệt, trước diễn biến và tác động của dịch Covid-19, ngành Hải quan vừa đảm bảo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu. Để nắm bắt kịp thời các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các cuộc họp và họp trực tuyến với một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương hàng ngày báo cáo tình hình, những vướng mắc phát sinh về Tổng cục Hải quan để kịp thời có phương án xử lý đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Toàn ngành Hải quan đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế, rà soát quy định của pháp luật, thu thập ý kiến của các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và cá nhân, tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các nước để đề xuất, thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19), Tổng cục Hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nắm chắc nguồn thu, nhất là tình hình xuất khẩu, nhập khẩu với các nước Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, bám sát tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý... để kịp thời có báo cáo, phản ánh phục vụ công tác điều hành ngân sách nhà nước; Chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp cụ thể công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có nội dung về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan

Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã tác động nhiều đến cách thức sản xuất, luân chuyển hàng hóa... Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành Hải quan là phải thực hiện đồng thời, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đây cũng được xem là những nội dung cốt lõi để xây dựng các chiến lược, kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam trong những năm tiếp theo. Để thực hiện, Hải quan Việt Nam đặt ra các mục tiêu:

Chủ động cải cách, hiện đại hóa hải quan phục vụ hội nhập và phát triển đất nước - Ảnh 3

Một là, hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ, minh bạch, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quy phạm pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tính gắn kết chặt chẽ, thống nhất bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan theo hướng hiện đại. 

Hai là, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý hải quan hiện đại tại các khâu trước, trong và sau thông quan.

Ba là, xây dựng bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới được cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian, thiết kế phù hợp với yêu cầu hiện đại và nhu cầu quản lý của từng địa bàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng biên chế hiệu quả và quản lý tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong việc quản lý cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử; Phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu,làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; Tăng cường liêm chính hải quan; Các hoạt động quản lý, phát triển nguồn nhân lực hải quan theo năng lực dựa trên vị trí việc làm.

Bốn là, ứng dụng rộng rãi công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó hoàn thành xây dựng cơ quan Hải quan điện tử thống nhất với kiến trúc Chính phủ điện tử, bước đầu xây dựng cơ quan Hải quan số theo định hướng Chính phủ số; Có hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan trong tình hình mới.

Năm là, phối hợp thực hiện quản lý các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các hoạt động xuất nhập cảnh tại cảng và cửa khẩu khi được ủy quyền của các cơ quan hữu quan, theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành theo hướng việc kiểm tra chuyên ngành phải được thực hiện ngay tại cửa khẩu hoặc các địa điểm thông quan hàng hóa; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia kết nối đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; Kết nối đầy đủ và chia sẽ thông tin giữa các cơ quan liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và một số đối tác thương mại ngoài ASEAN để trao đổi đầy đủ về phạm vi, số lượng các chứng từ điện tử phục vụ tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.