Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng trước thiên tai

Theo Thắng Trung/TTXVN

Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai về khí tượng thủy văn giúp hạn chế được nhiều thiệt hại nếu như cộng đồng, đặc biệt người dân vùng thiên tai bão, lũ, hạn hán tiếp cận được những thông tin nguồn sớm nhất, chính xác và có những kiến thức hiểu biết cơ bản về các hiện tượng khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Điều đó sẽ giúp họ sẽ chủ động có các biện pháp phòng, tránh hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro về thiên tai.

Ngôi nhà của hộ nghèo Đặng Văn Ghệt, thôn Lùng Thóa, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) bị gió lốc làm đổ sập hoàn toàn. Ảnh: Phi Anh/TTXVN phát
Ngôi nhà của hộ nghèo Đặng Văn Ghệt, thôn Lùng Thóa, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) bị gió lốc làm đổ sập hoàn toàn. Ảnh: Phi Anh/TTXVN phát

Quyết định số 46-QĐ/TTg ngày 15/4/2014 của Chính phủ về cảnh báo, dự báo và truyền tin thiên tai sau một thời gian ban hành và thực hiện đã nảy sinh những vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 (Quyết định 03) quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, thay thế cho Quyết định số 46-QĐ/TTg ngày 15 tháng 4 năm 2014.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, Quyết định 03 được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về dự báo, cảnh báo, báo tin về thiên tai, bao gồm điều kiện ban hành, nội dung, tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và động đất, sóng thần; điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời bổ sung những quy định nhằm bao quát toàn bộ các loại thiên tai nêu tại khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. 

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường cho biết, các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Quyết định số 03 cần được chú ý triển khai thực hiện như đối với các đơn vị dự báo, cảnh báo, bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới sẽ không còn quy định loại bản tin bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ mà được thay thế bằng tin bão, áp thấp nhiệt đới khẩn cấp. Trong đó, điều kiện ban hành, nội dung bản tin sẽ thay đổi như tăng thời hạn dự báo từ 48 giờ đến 72 giờ và cảnh báo từ 72 giờ đến 120 giờ.

Các tin thiên tai khác được quy định cụ thể trong Quyết định bao gồm mưa lớn; ngập lụt; lũ quét và sạt lở đất do mưa lũ hoặc do dòng chảy; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn. Nội dung bổ sung cho mỗi loại bản tin dự báo, cảnh báo đều được quy định chi tiết đối với điều kiện ban hành, nội dung bản tin và thời gian, tần suất phát tin dự báo, cảnh báo.

Bên cạnh đó, tăng số lượng vị trí các trạm thủy văn do các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thông báo lũ nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao.

Ứng với mỗi loại hình thiên tai, mức độ rủi ro, phạm vi ảnh hưởng, đối tượng được cảnh báo, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ thực hiện truyền phát tin trên các phương thức, kênh tần số vô tuyến điện với tần suất thích hợp, như truyền phát bằng điện thoại vô tuyến với tần suất 16 phiên/1 bản tin nguồn nhận được và truyền phát bằng điện văn vô tuyến với tần suất 2 phiên/1 bản tin nguồn nhận được. Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam sẽ phát liên tục trong ngày đến khi bản tin nguồn nhận được không còn hiệu lực.

Đối với trách nhiệm của các bộ, ngành,việc bổ sung chương IV về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trong đó bổ sung trách nhiệm của các đơn vị như: Bộ Thông tin và Truyền thông (trong việc chỉ đạo doanh nghiệp thông tin di động), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (chỉ đạo công tác cung cấp thông tin thực tế), Đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố (xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai tại địa phương và khai thác sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai)… khẳng định tính cấp thiết, kịp thời đối với công tác phòng, chống thiên tai, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm hơn trong công tác phòng, chống thiên tai.

“Quyết định số 03 được ban hành mới là một trong những điều kiện quan trọng để các cấp, các ngành và cả những người dân luôn chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước thiên tai, nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện phát triển bền vững”, ông Hoàng Đức Cường khẳng định.