Chủ động thoái vốn nhờ quỹ dự phòng
(Tài chính) Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến đã nhiều lần khẳng định nếu doanh nghiệp (DN) thực hiện đầy đủ theo quy định về trích lập dự phòng rủi ro thì họ luôn ở thế chủ động, đảm bảo đủ nguồn để thoái vốn mà vẫn bảo toàn vốn.
Không trích lập dự phòng: Lãi giả lỗ thật
Năm qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là trên lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… nên yêu cầu thoái vốn phải bảo toàn vốn trở nên hết sức khó khăn đối với DN nhà nước (DNNN).
Theo Bộ Tài chính, năm 2013, các Tập đoàn, Tổng công ty đã từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt như tăng vốn điều lệ từ nguồn chênh lệch tăng do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản (Tập đoàn Điện lực Việt Nam); sử dụng các nguồn vốn hợp pháp hiện có để tăng vốn điều lệ (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam); đàm phán với các nhà cung cấp tín dụng để cơ cấu lại các khoản vay (Vinashin).
Trong đó, đã có những kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các khoản đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản (TKV đã thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm SHB-Vinacomin, Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV và Công ty cổ phần cảng hàng không quốc tế Long Thành, Công ty cổ phần bảo hiểm Hàng không; Tập đoàn Điện lực Việt Nam thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu...).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thoái vốn tại Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực Nha Trang 1.079 triệu đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông thoái vốn tại Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam là 4.440 triệu đồng. Tổng công ty thép thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là 61.500 triệu đồng. Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Quỹ Vietcombank 3 là 40.000 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những kết quả bước đầu. Bởi nhiều DN vẫn còn khá e dè khi thị trường tài chính không mấy khả quan, thoái vốn không bảo toàn vốn, người đứng đầu DN sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo như phân tích ở trên, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Bởi trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định như cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì họ luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng có đủ nguồn để bảo toàn vốn.
Nếu không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro (bởi sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận), đồng nghĩa với việc DN sẽ phải đối mặt với rủi ro, dẫn đến lãi giả lỗ thật.
Trong trường hợp DN không thực hiện đúng chế độ quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng như cơ quan tài chính sẽ yêu cầu DN thực hiện đúng quy định để phản ánh đúng thực trạng tài chính của DN. Đồng thời, theo cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả, DN sẽ không được xếp loại A và Ban lãnh đạo được xác định là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Tạo hành lang vững chắc cho các DN thoái vốn
Để “dọn đường” cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đã có hàng loạt các quy định như hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính; phương thức thoái vốn của các DNNN đầu tư vào DN khác; hướng dẫn việc xây dựng phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước…
Theo ông Đặng Quyết Tiến, ngoài việc giúp đỡ khó khăn cho DN trong quá trình thoái vốn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát các quy định có liên quan đến công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho các DN vừa thực hiện thoái vốn đúng lộ trình vừa đảm bảo các nguyên tắc đề ra.
Bộ Tài chính cũng xác định, trong năm 2014, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg.
Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN. Đây được cho là giải pháp tạo động lực đẩy nhanh quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cao hơn, một giải pháp được ngành Tài chính đặt mục tiêu trọng tâm đó là gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu DN. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Định kỳ hàng quý phải báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu của DN cho Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo thời gian quy định thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại DN của Chính phủ.
Với sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và quan trọng hơn là sự quyết tâm của các Tập đoàn, Tổng công ty, hy vọng kết quả thoái vốn khả quan hơn trong năm 2014.
Trích Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ