Chủ động với mọi tình huống!


Theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023 do Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện vừa công bố mới đây, dự báo tăng trưởng năm 2023 của nước ta có thể đạt mức 6,47% trong kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2...

Cụ thể, trong kịch bản 1, xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% và mức tăng trong kịch bản 2 là 8,43%. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 8,15 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%...

Những dự báo này dựa trên những "dữ liệu" hết sức lạc quan như GDP đạt 8,02%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% đã đề ra và đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Quy mô nền kinh tế được nâng lên mức 409 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra...

Là việc có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2022 với tổng số vốn đăng ký hơn 1.590 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 981.300 lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Là tình trạng thất nghiệp năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,07 triệu người, giảm hơn 359.000 người so với năm trước.

Dự báo là vậy, tuy nhiên theo nhận định tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, năm 2023, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bởi vậy, Chính phủ đã xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành; 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, với 147 nhiệm vụ cụ thể, trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hay trong phát biểu tại Hội nghị giữa Chính phủ với chính quyền các địa phương, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh là cần chủ động với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh. Tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn. Tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2023 là phù hợp và sát với thực tiễn. Vấn đề còn lại là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, hướng đến tạo dựng môi trường, thể chế kinh tế thực sự ưu việt, đồng thời xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động như hiện nay.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn